SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 17/05/2024
  • Click để copy

Làng kiệu hương Hòa Nhơn vào vụ Tết: Nỗi lo bị tiểu thương ép giá

16:29, 30/01/2024
Khác với những năm trước, năm nay tại thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) - làng kiệu hương lớn nhất TP Đà Nẵng - công việc thu hoạch có phần diễn ra chậm rãi hơn bởi bị thương lái ép giá trong vụ Tết.

Kiệu hương Hòa Nhơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể với sự quản lý của Hội Nông dân xã Hòa Nhơn. Cây kiệu hương được cho là cây “no ấm”, cây “đại học” để bà con nuôi con ăn học, khấm khá lên nhờ loại cây hoa màu nhỏ bé thơm và cay có tiếng Đà thành. Thôn Thạch Nham Tây là làng có diện tích trồng kiệu hương lớn nhất Đà Nẵng.

Những ngày giáp Tết Giáp Thìn, tâm trạng nông dân vui và lo lẫn lộn. Kiệu chính vụ đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên có những nông dân quyết định giữ lại phần lớn sản lượng kiệu tươi để bán sau Tết vào dịp rằm tháng giêng mong được giá hơn khi trời tạnh ráo. Những hộ dân chế biến kiệu, sản xuất với quy mô lớn hàng vẫn chạy đều đặn, giá không chênh lệch nhiều so với cùng kỳ các năm khác.

Nhờ cây kiệu hương

Trải dài theo hướng Đông – Tây, làng Thạch Nham có hai thôn Thạch Nham Đông và Thạch Nham Tây - nơi các lưu dân người Việt khai phá sớm so với những ngôi làng khác của xã Hòa Nhơn. Làng hình thành nửa sau thế kỷ XVI. Theo ghi chép của các dòng họ nơi đây vốn là vùng đất hoang vu, núi rừng rậm rạp được khai phá và ngày càng có nhiều họ tộc đến sinh sống.

DSC06115

 Ông Nguyễn Đề (tổ 6, thôn Thạch Nham Tây, Hòa Nhơn, Hòa Vang) trên ruộng kiệu hương của gia đình.

“Nhìn cây hoa màu nhỏ vậy thôi nhưng không cây gì ở Thạch Nham có tiền bằng kiệu hương. Năm được giá, tiền mua sắm Tết, gạo, hương khói gì cũng nhờ kiệu hương cả”, ông Nguyễn Đề (tổ 6, thôn Thạch Nham Tây) nhìn vào khoảnh ruộng kiệu chia sẻ với ánh mắt tự hào về mảnh đất kiệu hương có tiếng hàng trăm năm.

Ông Đề trồng Kiệu Hương từ khi là một thanh niên chưa vợ đến nay hơn 40 năm tóc đã pha sương. Trên cánh đồng, người nông dân vừa nhổ cỏ vừa nhìn ngắm thành quả sau 5 tháng vun xới 1 sào (500m2) kiệu hương lá xanh rờn đến kỳ thu hoạch.

Theo ông Đề, kiệu hương phải chăm kỹ vì cây “khó tính”. Rằm tháng 7 bón lót cho kiệu bằng phân hữu cơ và lân supe… rải đều trước khi lên luống. Nông dân chọn những củ kiệu to, đều, không sâu bệnh đã được phơi khô, tách các tép ra để xuống giống. “Mỗi hóc trồng chỉ được để một tép kiệu cây mới dễ sinh trưởng, từ đó đẻ nhánh thành chùm ra “kiệu con, kiệu cháu”. Khi cây có bụi lá lớn thì củ sẽ bị nhỏ, trái lại khi bụi lá ít thì củ mới phát triển tốt”, ông Đề nói về kinh nghiệm trồng kiệu.

DSC06077

Kiệu hương Hòa Nhơn là loài cây hoa màu giúp các gia đình ở thôn Thạch Nham Tây khấm khá.

Đặc biệt, củ kiệu khi trồng phải được đặt sâu xuống đất. Củ này đại kỵ việc đặt ngang mặt đất trồng bởi khi thu hoạch củ kiệu hương đúng chuẩn phải trắng tinh, không bị lẫn màu đỏ của đất. Chăm bẵm kiệu cẩn thận nhưng chỉ cần một chút màu đỏ ngoài vỏ củ thương lái sẽ chê xấu không mua. Sau nửa tháng xuống giống củ kiệu sẽ nứt ra bắt đầu đâm chồi.

Việc làm cỏ đối với kiệu hương cũng phải có bí quyết. Dù trên ruộng cỏ nhiều cũng chỉ cuốc đất 1 – 2 lần, đến lần thứ 3 cuốc đất làm cỏ thì củ kiệu sẽ nhỏ.

Cầm bó kiệu trong tay, vợ chồng ông Đề hồi tưởng chuyện ngày xưa mang kiệu ra chợ bán. Kiệu sau khi nhổ về, rửa sạch, loại bỏ lá úa sẽ được bó cột bằng lạt tre mỏng. “Lúc đó, cả làng đều không bán theo kg như bây giờ mà kiệu được bán theo bó. Mỗi bó kiệu bé như bó hẹ, mỗi cột lớn gồm 12 bó nhỏ nên việc bó kiệu bán tỉ mỉ, vất vả hơn bây giờ. Nhớ cảnh vừa phơi lúa xong trời mưa, lợn kêu, con khóc mà mình vẫn đang phải ngồi bó kiệu bán khi còn trẻ như mới hôm qua đây mà giờ đã qua bao vụ kiệu Tết”, vợ ông Đề nhớ lại.

Kiệu hương trồng không hóa chất, không chất kích thích, không bơm thuốc bảo vệ thực vật. Với 500m2 kiệu hương gia đình ông thu được 6 tạ kiệu, những năm kiệu được giá vợ chồng ông Đề cũng có được 10 triệu đồng ăn Tết.

Hôm nay giữa tháng Chạp, vợ chồng ông Đề quyết định ngưng thu hoạch vì thời tiết chuyển mưa lạnh. Giá kiệu chỉ còn được khoảng 20.000 VNĐ/Kg. Ông Đề bán cho chợ Túy Loan trong vùng, người ta mua đi bán lại giá lên xuống thất thường. “Năm nay có nhiều sương muối, trời mưa họ biết mình sau khi thu hoạch sợ hỏng phải bán vì không có máy sấy, không chất bảo quản nên ép giá. Tôi để Tết Nguyên Tiêu trời nắng ráo mới thu hoạch số kiệu còn lại”, ông Đề nói.

DSC06093

 Kiệu hương sẽ được tách ra từng tép khi trồng, hương vị thơm và cay chứ không hăng, nồng như kiệu trâu.

Ở làng kiệu người dân cũng từng thử trồng môn và một số cây hoa màu khác nhưng được ít bữa cây rụi như ai đổ nước sôi, không lớn nổi. Chỉ có cây kiệu bao nhiêu đời nay vẫn đều đặn mang hương vị Tết đi khắp Đà Nẵng và thu nhập cho bà con Thạch Nham Tây.

Sản xuất lớn và xây dựng thương hiệu để đầu ra sẽ ổn định hơn

Không như những hộ dân làm nhỏ lẻ trong thôn, Kiệu hương Hòa Nhơn - thương hiệu cơ sở sản xuất Nguyễn Thị Bông - năm nay vẫn giữ được phong độ ổn định về giá thành và chất lượng.

Theo bà Bông, những hộ dân trồng nhỏ lẻ, bán kiệu tươi năm nay củ nhỏ bị thương lái ép giá. Bà Bông chủ yếu bán sản phẩm đã chế biến: Kiệu dầm chay, kiệu dầm mắm, kiệu dầm mắm chua ngọt…

Ngày về làm dâu Thạch Nham Tây, bà Bông biết nơi đây có sản vật quý là cây kiệu hương thơm chứ không đắng, hăng nồng như kiệu trâu trên thị trường. Từ chỗ được mẹ chồng chỉ dạy chuyện bếp núc lại ham tìm tòi những khi muối kiệu, dầm kiệu dần sản phẩm làm ra của bà Bông mời đãi thử đều được bạn bè tấm tắc khen ngon.

Với sự động viên, ủng hộ của chị em hội phụ nữ, bà Bông biến củ kiệu Hòa Nhơn thành nông sản đặc sản của Hòa Vang sớm được công nhận sản phẩm OCOP.

181f6167f97d53230a6c

Cơ sở sản xuất kiệu hương có nhãn hiệu đứng vững hơn khi ra thị trường về giá cả. 

Mọi người vẫn còn nhớ 8 năm trước, khi bà Bông đưa ra ý tưởng phát triển kinh tế từ cây kiệu, thành lập Tổ hợp tác Kiệu Hòa Nhơn. Hội phụ nữ và UBND xã Hòa Nhơn đã ủng hộ, hỗ trợ. Lấy nhà làm xưởng, bà Bông thu mua kiệu của các thành viên để chế biến thành phẩm cung cấp cho thị trường. Những ngày đầu khởi nghiệp với muôn vàn khó khăn. Khó khăn từ trang thiết bị sản xuất thô sơ, chi phí đầu tư lớn đến khó khăn về nguồn kiệu chưa ổn định về chất lượng lại thiếu nguồn nước nên chỉ sản xuất được một vụ.

Thấy được tiềm năng của cây kiệu và ý tưởng của bà Bông sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con trong vùng, UBND xã Hòa Nhơn đánh giá dự án và hỗ trợ kinh phí, mở các khóa tập huấn về thâm canh kiệu hương trái vụ.

Tổ hợp tác với khoảng 60 thành viên nhận kinh phí từ Hội liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng đầu tư trang thiết bị như máy sấy khô kiệu, máy khò màn co, máy sục ozone màn co nắp sản phẩm để đảm bảo chất lượng, bảo quản sản phẩm chế biến nhanh với sản lượng lớn. Kiệu của tổ hợp tác hiện đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, đạt chứng nhận tiêu chuẩn HACCP. 

Kiệu hương Hòa Nhơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Từ việc mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thương hiệu của tổ hợp tác đã liên kết các hộ dân trong xã và mang lại những hiệu quả kinh tế trong thời gian đầu.

Tuy nhiên theo một số hộ dân, khoảng hai năm trước kiệu hương Hòa Nhơn có tham gia các hội chợ, triển lãm xuân, tổ hợp tác thu mua kiệu cho bà con nên đầu ra rất tốt. Thế nhưng năm nay không còn thấy thu mua nên đầu ra của nông dân Thạch Nham Tây cầm chừng.

e8ed9d8e0594afcaf685

"Có nhiều người nói kiệu hương nhỏ. Nhưng tôi thích nhưng cây củ không quá lớn bởi hương vị của những của này thường thơm hơn bình thường", lão nông Nguyễn Đề nói thêm.

Những hộ dân khó khăn quá bị thương lái ép giá vẫn phải bán mới có tiền lo những ngày Tết. Còn như gia đình ông Đề, kiệu đến kỳ chưa thu hoạch lá sẽ tiếp tục lên, lá càng rậm củ sẽ càng nhỏ. Không biết với “chiến thuật” chưa thu hoạch của gia đình ông để bán Tết Nguyên tiêu liệu có giúp vụ mùa vất vả bao công sức, mồ hôi bội thu hơn.

Dưa hành củ kiệu là hương vị Tết từ Bắc vào Nam. Củ kiệu và bánh Tét là món ăn không thể thiếu. Củ kiệu được đầu bếp biến hóa với vị cay và thơm trong tiết trời se lạnh là phong vị đặc sắc báo hiệu những ngày xuân đoàn viên của Đà Nẵng đang về.

Việc xây dựng thương hiệu, được cấp nhãn hiệu tập thể để xác lập quyền tài sản trí tuệ cộng đồng chỉ là bước đầu. Qua vụ Tết có thể thấy, cơ sở sản xuất kiệu hương đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền, sử dụng nhãn hiệu tập thể sản phẩm đứng vững hơn khi ra thị trường so với những sản phẩm chưa được quan tâm xây dựng thương hiệu.

Người nông dân trồng kiệu Thạch Nham Tây cần giá trị cây kiệu hương quê hương sẽ được tăng lên và hưởng lợi từ các tài sản trí tuệ cộng đồng được công nhận bằng việc bảo hộ và niềm tin của khách hàng. Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhãn hiệu tập thể cần có những kế hoạch quảng bá, phát triển và khai thác nhãn hiệu hiệu quả trong thời gian.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Việc Google sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp câu trả lời cho câu hỏi tìm kiếm của người dùng khiến những người sở hữu trang web lo lắng về việc bị giảm lưu lượng truy cập vào website của họ.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Ngày 16/5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức lễ trao giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2023 cho 23 tác phẩm/nhóm tác phẩm đoạt giải. Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Hoàng Giang chính thức phát động giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2024.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Vừa qua, Phó Tổng thư ký ASEAN cùng với Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN và Đại diện thường trú của UNDP tại Indonesia chính thức khởi động dự án đổi mới kinh tế xanh Asean.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã có quyết định số 1927/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030.
Tin tức 16 giờ trước
Ngày 16/5, Ban tổ chức Liên Đoàn cờ Đà Nẵng và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo cho biết: “Hơn 550 kỳ thủ miền Trung và nhiều kiện tướng quốc gia, quốc tế đến từ 32 đơn vị sẽ thi đấu Giải Cờ Vua các vận động viên chuyên nghiệp TP Đà Nẵng mở rộng lần IV năm 2024”.