Điểm lại những sự kiện quốc tế nóng nhất 2020
Cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng lan ra khắp nơi. Tới cuối tháng 12/2020, dịch đã tấn công 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 81 triệu người với gần 1,8 triệu ca tử vong. Các chuyên gia ước tính, đại dịch đã đẩy thêm 88 triệu người vào cảnh cùng quẫn, khiến GDP toàn cầu mất ít nhất hơn 5.000 tỷ USD.
Một số nước ban đầu kiểm soát dịch thành công nhờ những biện pháp phong tỏa và giới hạn nghiêm ngặt, nhưng các làn sóng lây nhiễm mới tiếp tục càn quét nhiều nơi, khiến kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái kéo dài. Từ cuối 2020, các nước rục rịch xúc tiến tiêm phòng diện rộng vắc-xin, làm dấy lên hy vọng cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường vào 2021.
RCEP tạo ra Khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới
Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand ký kết sau 8 năm đàm phán.
RCEP đã tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với thị trường 2,2 tỷ dân, chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26.200 tỷ USD, tương đương 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu.
Việc ký kết RCEP được coi là động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu suy giảm.
Nước Anh rời Liên minh châu Âu
Từ ngày 31/1/2020, Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu EU (hay còn gọi là Brexit) sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016, và bước vào giai đoạn chuyển tiếp đến hết ngày 31-12-2020. Cuộc “ly hôn” của Anh sau 47 năm gắn bó với EU được dự đoán sẽ làm thay đổi các mối quan hệ với khối trong mọi lĩnh vực, bao gồm các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, an ninh...
Cũng bắt đầu từ năm 2021, các quy tắc của EU sẽ không được áp dụng tại Anh. Người dân Anh cũng sẽ không được nhận các ưu đãi về vấn đề cư trú, việc làm, học tập... từ các quốc gia châu Âu khác.
Mỹ bầu cử Tổng thống
Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden năm nay diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ bị nhấn chìm trong khủng hoảng do biểu tình sắc tộc, suy thoái kinh tế và Covid-19. Đại dịch cũng được đánh giá là nguyên nhân chính khiến không ít cử tri Mỹ quay lưng với Trump, do những phản ứng bị coi là chậm chạp và thiếu khoa học trong chiến lược chống dịch.
Hơn 150 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ngày 3/11, nhưng đến ngày 7/11, truyền thông mới "xướng tên" Biden là người đắc cử, do các bang mất nhiều thời gian kiểm đếm số phiếu bầu vắng mặt cao chưa từng có vì Covid-19. Cả hai ứng viên đều lập kỷ lục về số phiếu phổ thông, trong đó Biden giành hơn 81 triệu phiếu, trong khi Trump cũng có hơn 74 triệu phiếu.
Dù vậy, Trump kiên quyết không nhận thua, tiến hành chiến dịch pháp lý quy mô lớn với cáo buộc phe Dân chủ "đánh cắp cuộc bầu cử" bằng hành vi gian lận trên diện rộng nhưng không thành công. Ngay cả khi đại cử tri đoàn chính thức bỏ phiếu bầu cho Biden với 306 phiếu, còn Trump chỉ được 232 phiếu, Tổng thống Mỹ vẫn ủng hộ nỗ lực "lật kèo" ở quốc hội nhằm đảo ngược kết quả, dù cơ hội thành công gần như không có.
Thái độ quyết không nhận thua của Trump đã khiến nước Mỹ thêm chia rẽ, đặt Biden trước thách thức lớn trong việc hàn gắn quốc gia, xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế. Ông cũng được kỳ vọng sẽ đưa Mỹ trở lại vai trò "anh cả" trên trường quốc tế với chính sách ngoại giao truyền thống, đề cao quan hệ đồng minh và chủ nghĩa đa phương, chấm dứt chính sách "nước Mỹ trước tiên" nhiều hỗn loạn dưới thời Trump.
Mỹ - Trung Quốc căng thẳng trên mọi mặt trận
Năm 2020 chứng kiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng ở nhiều lĩnh vực, không chỉ về thương mại mà còn ở cả công nghệ, an ninh, ngoại giao, cách xử lý Covid-19 và truyền thông. Hai bên đã nỗ lực cải thiện thương chiến bằng cách ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng đại dịch đã thổi bùng mâu thuẫn song phương.
Mâu thuẫn tới đỉnh điểm với việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston. Bắc Kinh trả đũa, yêu cầu Washington đóng lãnh sự quán ở Thành Đô. Cũng trong năm 2020, Mỹ thẳng thừng bác bỏ các yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với Biển Đông, tăng cường tàu chiến và máy bay tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này.
Khủng hoảng trên thị trường lao động thế giới
Đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến thị trường lao động trên toàn thế giới và gây tổn thất lớn về thu nhập lao động trong năm 2020. Báo cáo “COVID-19 và thế giới việc làm” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, năm 2020 có tới 81 triệu lao động ở châu Á-Thái Bình Dương và 30 triệu lao động ở Mỹ Latinh mất việc làm.
Chỉ trong ba quý đầu của năm 2020, thu nhập của người lao động giảm 10,7%, tương đương 3.500 tỷ USD. Khủng hoảng trên thị trường lao động và việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài về nghèo đói và những bất ổn về kinh tế-xã hội.
Biểu tình đòi dân chủ ở Thái Lan
Vào tháng 7, hàng ngàn người biểu tình Thái Lan, chủ yếu là sinh viên, đã xuống đường biểu tình yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha phải từ chức và kêu gọi bãi bỏ luật phỉ báng hoàng gia nghiêm ngặt ở quốc gia này.
Ngày 27-10, hơn 300 người mặc áo vàng – biểu tượng của sự tận tâm với chế độ quân chủ - đã tập trung tại một công viên ở thủ đô Bangkok nhằm thể hiện sự ủng hộ nhà vua. Tuy nhiên, con số 300 này lại chỉ là con số nhỏ so với hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ.
Đến nay, những người biểu tình đã mở tộng các yêu cầu của họ, trong đó có việc hạn chế quyền lực của Nhà vua Thái Lan.
Chiến sự Armenia – Azerbaijan
Các cuộc giao tranh ác liệt giữa Armenia và Azerbaijan bùng nổ tại khu vực tranh chấp Nagorno – Karabakh vào ngày 27/9 và kéo dài trong vòng 45 ngày. Cuộc chiến đã khiến hơn 5.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng.
Khu vực Nagorno-Karabakh nằm trong đường biên giới của Azerbaijan và được quốc tế công nhận, nhưng phần lớn dân chúng sinh sống ở đây là người gốc Armenia.
Cục diện đã được định đoạt khi Azerbaijan triển khai máy bay không người lái (UAV) và áp đảo lực lượng Armenia trên chiến trường, buộc họ phải ký thỏa thuận đình chiến do Nga làm trung gian vào ngày 9/11. Thỏa thuận có nhiều điều khoản có lợi hơn cho phía Azerbaijan.
Hải Châu
TIN LIÊN QUAN
-
Tình hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Mục tiêu giai đoạn 2021-2030
-
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025: Đòn bẩy cho phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh
-
Đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện trong tường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
-
Hà Nội: Bắt quả tang cơ sở kinh doanh hơn 10.000 sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu
Tin khác
- Tổng hợp ý tưởng tổ chức sự kiện độc đáo 2024