SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Công ty chứng khoán 'sang tên đổi chủ' có đổi vận?

16:30, 09/07/2021
(SHTT) - Trong lúc thị trường chứng khoán thăng hoa, loạt công ty chứng khoán nhỏ cũng đang bước vào cuộc tái cấu trúc đi kèm với ‘thay máu’ cổ đông.

Việc sang tên đổi chủ của những Công ty chứng khoán (CTCK) không phải chỉ mới xảy ra trong giai đoạn gần đây, mà đã manh nha từ những năm trước và đến khi một số luật thay đổi, cửa cho nhà đầu tư ngoại rộng mở hoàn toàn thì càng diễn ra mạnh hơn.

Thời điểm từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ cả về điểm số lẫn thanh khoản, các CTCK được dự báo là ngành hưởng lợi nhiều nhất. Đặc biệt, nhóm CTCK nhỏ cũng đang bước vào cuộc tái cấu trúc đi kèm với ‘thay máu’ cổ đông.

Đơn cử, tại CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC) ghi nhận biến động lớn trong cơ cấu cổ đông.

Cụ thể, CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng và CTCP Việt Nam Equity đã bán ra tổng cộng 4,2 triệu cổ phiếu, tương đương 70% vốn điều lệ của DNSC.

Ở chiều hướng ngược lại, trong ngày 31/12/2020, ba cổ đông cá nhân là Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Thị Thu Hà và Tạ Văn Mạnh đã mua vào tổng cộng 75% cổ phần DNSC.

Ngày 5/3/2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của DNSC đã thông qua nội dung thay đổi tên công ty thành CTCP Chứng khoán DSC. Đáng chú ý, công ty cũng sẽ thay đổi địa chỉ trụ sở chính về toà Thành Công Building ở số 80 Dịch Vọng Hậu (Hà Nội).

Tương tự, tại CTCK Việt Nam Gateway (HRS) đã đổi tên thành Chứng khoán KS.

Tình hình sở hữu tại HRS tính tới 23/04/2021  

Cụ thể, sau một loạt thương vụ chuyển nhượng, bà Trần Thị Thu Hằng trở thành cổ đông lớn nhất tại đây. Vào tháng 1/2021, ông Diệp Vĩnh Thành đã chuyển nhượng 23,7% vốn. Ở chiều ngược lại, bà Trần Thị Thu Hằng nhận 9,7% vốn, ông Đinh Hữu Thật nhận 5% vốn, bà Nguyễn Thị Mai Hương (4%).

Đến tháng 2/2021, bà Hằng tiếp tục nhận chuyển nhượng thêm 41,3% vốn Chứng khoán Việt Nam Gateway từ các nhà đầu tư cá nhân, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%. 

Sau cuộc ‘thay máu’, CTCK Việt Nam Gateway (HRS) đã đổi tên thành Chứng khoán KS hồi tháng 3/2021. Đồng thời, toàn bộ thành viên HĐQT cũ của đơn vị này đã xin từ nhiệm, theo đó, ĐHĐCĐ đã bầu mới 3 thành viên HĐQT. Trong đó, bà Trần Thị Thu Hằng được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Công ty.

Nối gót HRS và DSC, giữa tháng 6/2021 Công ty TNHH Đầu tư Tài chính và Thương mại Tấn Phát đã chuyển nhượng 21,3 triệu cổ phần của Chứng khoán Asean cho hai tổ chức trong nước. Sau giao dịch, tỷ lệ sử hữu của Đầu tư Tài chính và Thương mại Tấn Phát giảm từ 44,2% xuống còn 22,91% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu, Đầu tư Tài chính và Thương mại Tấn Phát là công ty do bà Vũ Thị Lan điều hành với vai trò Tổng giám đốc. Được biết, bà Lan từng là thành viên HĐQT của Chứng khoán Asean trước khi bị miễn nhiệm vào tháng 9/2019.

Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và sản xuất Thịnh Vượng, một doanh nghiệp chuyên bán mô tô xe máy và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội với lượng cổ phần nhận chuyển nhượng lần lượt là 8 triệu và 13,3 triệu đơn vị.

Trước giao dịch, Dịch vụ thương mại và sản xuất Thịnh Vượng đã sở hữu 3,58 triệu cổ phần của Chứng khoán Asean. Như vậy, với việc nhận chuyển nhượng thêm 8 triệu đơn vị, tổ chức này sẽ nâng sở hữu tại Asean Securities lên 11,58% vốn, qua đó trở thành cổ đông lớn của công ty chứng khoán.

Với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội, đơn vị này trước đó chưa từng sở hữu cổ phần nào của Chứng khoán Asean. Tỷ lệ sở hữu sau giao dịch tăng lên 13,3%. 

Tuy nhiên, giá chuyển nhượng chưa được các bên công bố.

Báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phần đối với giao dịch của cổ đông lớn trong phiên 16/6. (Nguồn: Chứng khoán Asean).  

Tại CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã CK: VDS), từ ngày 10 – 14/6/2021, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đã mua vào 17 triệu cổ phần, trở thành cổ đông lớn với tỉ lệ sở hữu 17% vốn điều lệ. Tính theo thị giá cổ phiếu VDS trên thị trường, số cổ phiếu mà ông Hiệp mua vào có giá trị lên tới cả trăm tỉ đồng.

Đáng chú ý, trước giao dịch này, ông Hiệp không nắm giữ cổ phiếu VDS và cũng chưa từng được ghi nhận có mối quan hệ liên quan đến cổ đông nội bộ của công ty.

Trong quá khứ, khi làn sóng vốn ngoại đổ vào ngành chứng khoán nhằm mua lại CTCK nhỏ trong nước của khối ngoại cũng từng rầm rộ có thể kể tới thương vụ mua lại và tái cấu trúc ở Chứng khoán KB Việt Nam, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Chứng khoán NHSV, Chứng khoán Pinetree…

Sang tên đổi chủ, CTCK nhỏ có hết chật vật?

Hầu hết các CTCK trên đều có kết quả kinh doanh kém hiệu quả trước khi sang tên đổi chủ. Liệu rằng sang tên đổi chủ, thì những Công ty chứng khoán này hoạt động có tốt hơn, lợi nhuận có tăng hơn so với lúc trước?

Chẳng hạn, trước thềm sang tên đổi chủ, Chứng khoán Việt Nam Gateway (HRS) thua lỗ triền miên và có nguy cơ âm vốn chủ sở hữu. Cụ thể, công ty liên tục báo lỗ từ kể khi hoạt động vào năm 2006 cho đến năm 2014. Hai năm 2015 - 2016, công ty báo lãi nhẹ. Sau đó, chuỗi năm thua lỗ tiếp tục kéo dài cho đến 2020.

Tại ngày 31/3/2021, lỗ lũy kế của công ty là gần 85 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty giảm xuống còn gần 26,2 tỷ đồng. Thời điểm cuối quý I năm nay, tiền và tương đương tiền của công ty tăng đột biến lên gần 16,2 tỷ đồng, tương đương gần 62% tổng tài sản.

Tương tự, hoạt động kinh doanh của Chứng khoán Đà Nẵng những năm qua không thực sự khả quan. Năm 2020, DSC đạt 493 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi năm 2019 công ty lỗ 116 triệu đồng. Doanh thu thuần giai đoạn 2017 – 2020 cũng giảm mạnh từ 19 tỷ đồng xuống 6 tỷ đồng. Quý 1/2021 lợi nhuận sau thuế tại DSC âm 223 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 đạt hơn 1 tỷ đồng.

Hầu hết chủ mới ở các CTCK này đều có tiềm lực tài chính, thể hiện qua những đợt tăng vốn mạnh sau khi hoàn tất thâu tóm.

Chẳng hạn, sau loạt thay đổi về mặt tổ chức, Chứng khoán KS dự kiến sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:8.05 để tăng vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng.

DSC thống nhất phương án chào bán 94 triệu cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ với giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền huy động 940 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của DSC sẽ tăng từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Làn sóng tăng vốn này bắt nguồn từ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngừng cấp phép thành lập mới công ty chứng khoán không thời hạn. Do đó, dù có tiềm lực tài chính nhưng nhiều “tay to” gặp phải rào cản gia nhập ngành này. Vì vậy, việc mua lại CTCK là cách khả dĩ nhất hiện tại để sở hữu giấy phép.

Hiện tại tuy không thay đổi về số lượng các doanh nghiệp chứng khoán song sân chơi vốn đã đông giờ lại thêm phần chật chội hơn vì các 'tay to' đổ xô vào. Các CTCK lớn hiện tại sẽ chịu áp lực từ các đối thủ cạnh tranh mới.

Hoàng Long (t/h)

vnfinance.vn

Tin khác

Kinh tế 4 giờ trước
(SHTT) - Lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,5%/tháng, không phải đến ngân hàng làm thủ tục, phê duyệt online giải ngân nhanh trong ngày là những ưu điểm nổi bật của sản phẩm vay mua ô tô được VPBank triển khai qua ứng dụng Race App của ngân hàng.
Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.