SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Chợ tình Nhi Sơn: Nét đẹp văn hóa của huyện Mường Lát, Thanh Hóa

07:00, 14/10/2022
(SHTT ) - Huyện Mường Lát, Thanh Hóa không chỉ được biết đến là vùng đất có cảnh vật hùng vĩ qua những vần thơ của nhà thơ Quang Dũng, những ngọn núi đá sừng sững, những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn mà nơi đây còn níu giữ du khách bởi nét đặc sắc văn hóa chợ phiên ở xã Nhi Sơn.

Chợ phiên Nhi Sơn được tổ chức trên khu đất rộng chừng 3.000m2, nằm dọc Quốc lộ 15C. Chợ lần đầu tiên được khai trương vào năm 2016 đúng dịp Tết Độc lập của đồng bào Mông (2/9) và được duy trì vào ngày 15 dương lịch hàng tháng. Mùa nào thức đấy, bà con các bản Mông, bản Thái gùi những mận, những đào, măng rừng, củ mài, cánh kiến... của gia đình làm ra xuống chợ.

cho tinh nhi son

 Đủ các loại hàng hóa được bán tại chợ phiên Nhi Sơn

Đồng bào dân tộc vùng cao đi chợ phiên Nhi Sơn không chỉ mua bán hàng hóa mà còn để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện tâm tình, uống với nhau một vài chén rượu ngô, thổi vài điệu khèn hay quây quần xung quanh chảo thắng cố nóng hổi.

 Từ chiều hôm trước ngày diễn ra chợ phiên, những chuyến xe tải cũng đã lình kình mang theo những dao, cuốc, hàng gia dụng từ miền xuôi lên Nhi Sơn, trông chờ trời sáng. Rồi đến cuối phiên chợ, những chiếc xe ấy lại nặng thùng hàng với những sản vật vùng cao trở về phố thị.

cho tinh nhi son1

 Một tháng mới tổ chức một lần, bà con tranh thủ mua hàng hóa về trữ trong nhà

Không khí của phiên chợ luôn được bao phủ bởi sự náo nhiệt, vui tươi từ những con đường dẫn về. Những chàng trai dân tộc với cây sáo véo von điệu nhạc vui tươi, bên những cô gái Mông, gái Thái xúng xính trong trang phục truyền thống, nụ cười tỏa nắng. Những em bé vẫn ngủ ngon trên lưng mẹ.

Chợ không chỉ đơn thuần là nơi trao đổi mua bán hàng hóa, mà hơn cả là sau những ngày lên nương vất vả, người dân ở bản gần xa, từ già trẻ, gái trai về đây tụ họp, quây quần chia sẻ với nhau những nhọc nhằn, buồn vui của cuộc sống. Bởi vậy, chỉ nghe nhắc đến chợ Nhi Sơn thôi đã thấy thân thương, được thỏa sức khám phá nét văn hóa đặc sắc về con người và vùng đất này.

Đến với chợ phiên Nhi Sơn, mọi người không nên bỏ qua cơ hội để thưởng thức những món đặc sản như rượu ngô Pù Toong thơm nồng, cơm lam từ lúa nếp nương và món thắng cố lâu đời của người Mông bản địa nấu từ thịt ngựa, thịt bò với thảo quả và lá rừng. Với nguyên liệu đặc trưng, một bát thắng cố nóng hổi nhâm nhi cùng với rượu ngô, rượu táo mèo đem lại một trải nghiệm thú vị.

Ngoài ra, đến chợ Nhi Sơn, bất cứ ai cũng sẽ bị thu hút bởi những món đồ thổ cẩm đủ sắc màu, bắt mắt với đa dạng họa tiết, mẫu mã của những váy, khăn, áo quần, túi,... được tạo ra từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng sơn cước.

cho tinh nhi son3

 Một gia đình người Mông cùng nhau ăn bữa sáng tại chợ phiên

Vừa nhộn nhịp, vừa đông vui, phiên chợ cứ thế diễn ra từ sáng sớm tinh mơ cho đến giữa buổi chiều. Tan chợ, họ trở về bản trong tiếng cười đùa, trong hương thơm thắng cố và chếch choáng men say của rượu ngô. Và những chiếc gùi của người phụ nữ Mông cũng nặng hơn bởi lỉnh kỉnh hàng hóa từ phiên chợ.

Thầy giáo Ly Ly Pó, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý chia sẻ, vốn là người con dân tộc Mông, xã Pù Nhi, thầy khá am hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông. Đặc biệt thầy Pó rất yêu thích cây sáo Mông, thầy làm sáo và thổi sáo hay như cách thầy truyền dạy kiến thức cho các em học sinh nơi mình gắn bó.

 Thầy nói: “Cây sáo Mông là một loại nhạc cụ truyền thống có thanh âm trầm bổng, da diết, không thể thiếu tại các lễ hội, những phiên chợ tình Nhi Sơn và cũng là vật để những đôi trai gái có dịp được giao duyên, kết bạn trăm năm. Bởi vậy, mỗi lần xuống chợ cùng người thân, tôi thường đem theo cây sáo thổi dọc đường đi. Tiếng sáo réo rắt mời gọi người dân xuống chợ, tiếng sáo trầm bổng, vang vọng luẩn quất vào những đám mây bồng bềnh trên những ngọn núi.

Chính những giây phút được xuống chợ, được hòa mình vào dòng người và cất lên tiếng sáo trầm bổng ấy, là lúc tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong tâm hồn, thêm yêu mảnh đất, con người nơi biên cương”.

 Chợ tình Nhi Sơn không chỉ là nơi bà con các dân tộc nơi đây mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu văn hóa tình hữu nghị của bà con nhân dân nơi đây.

 Đinh Điệp

Tin khác

Giải trí 8 giờ trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 9 giờ trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Sở Du lịch Thành phố Hà Nội mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, tại Khu du lịch Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề: Hà Tĩnh - thanh âm ngày nắng mới. Chương trình với nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc đã thu hút đông đảo người dân và du khách trên địa bàn cả nước tham gia.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Có thể nói, Carnaval Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất, lễ hội đường phố ấn tượng nhất mỗi dịp hè về đã được Quảng Ninh duy trì, phát triển suốt nhiều năm qua, để lại những dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi được hoà mình vào không khí lễ hội.