SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 04/05/2024
  • Click để copy

Cầu yếu, sức mua giảm - sức ép mới

10:50, 19/02/2014
Dấu hiệu kinh tế hồi phục thể hiện khá rõ cuối năm 2013 là cơ sở để các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị cho mùa kinh doanh bội thu trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2014, sức mua trên thị trường vẫn chưa hồi phục như mong đợi. Để tồn tại các DN cần ổn định giá bán, nâng sức cạnh tranh sản phẩm.

Giảm giá không kéo được sức mua

Chưa có năm nào thị trường tết lại kết thúc muộn và kinh doanh sớm như Tết Giáp Ngọ vừa qua. Nếu những năm trước, khu vực các cửa hàng kinh doanh trên đường phố thường đóng cửa vào lúc 22 giờ và kết thúc trưa 30 Tết, thì năm nay nhiều cửa hàng đóng cửa vào 23 giờ và kết thúc mùa kinh doanh vào chiều 30 Tết. Lý do khiến các chủ cửa hàng phải kéo dài thời gian mở cửa là họ phải cố gắng bán được nhiều hàng, vừa để tránh hàng tồn, vừa có chi phí trang trải kinh doanh sau tết.

Sau Tết Nguyên đán, thị trường không có biểu hiện “lãn thị” để du xuân như những năm trước, mà ngay từ mùng 6 Tết đã đồng loạt mở cửa trở lại. Cá biệt, tại nhiều hệ thống siêu thị bình ổn thị trường, cửa hàng bình ổn, chợ đã hoạt động ngay từ sáng mùng 2 Tết nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thông suốt cho người tiêu dùng. Ngay sau tết, thị trường cũng đồng loạt tổ chức các chương trình khuyến mãi, trong đó biện pháp thực hiện chính vẫn là giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng. Biểu hiện rõ nhất là tại các siêu thị điện máy, nhiều mặt hàng như tivi, đầu máy, nồi cơm điện… đã được bán với giá gốc, hoặc hỗ trợ giảm giá bán từ 30% - 40%. Các trung tâm thương mại lớn cũng bước vào cuộc đua khuyến mãi đối với hàng trăm mặt hàng, mức giảm giá từ 5% - 49% để đón đầu ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Điều này cho thấy sức mua sau tết bắt đầu rơi vào giai đoạn thấp điểm. Đến nay chỉ riêng hệ thống siêu thị Co.opMart công bố, sau tết sức mua có dấu hiệu tốt hơn so với cùng kỳ, đạt mức tăng 18%. Số còn lại đều cho rằng phải tăng cường khuyến mãi may ra mới bán được hàng.

Trở lại với thị trường thời điểm trước Tết Giáp Ngọ, sức mua tăng rất chậm khiến nhiều nhà kinh doanh đứng ngồi không yên. Để kích sức cầu, nhiều DN buộc phải khởi động các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu hơn và thực hiện sớm hơn so với thường lệ. Chẳng hạn, một hộp bánh Goody loại lớn nhất - sản phẩm mới của Công ty Bibica, giá bán 165.000 đồng/hộp nhưng đến ngày 25 Tết, giá bán tại Co.opMart Nguyễn Xí chỉ còn 139.000 đồng/hộp. Mức giá của nhà phân phối đưa ra khiến một số nhân viên của Bibica không khỏi giật mình.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, lạp xưởng là một trong những mặt hàng tết chủ lực của Vissan nên ít khi nào công ty thực hiện giảm giá. Tuy nhiên, mùa tết 2014, Vissan buộc phải chi 2,4 tỷ đồng (tương đương với mức giảm giá bình quân 10.000 đồng/kg) đối với mặt hàng này. Vissan cũng chi hàng tỷ đồng đối với nhiều mặt hàng khác. “Giảm giá là giảm lợi nhuận, nhưng nếu không làm thì Vissan sẽ không thể cạnh tranh và tiêu thụ hết một số lượng hàng rất lớn. Điều quan trọng, việc giảm sâu giá bán trong dịp tết giúp doanh thu dịp tết tăng doanh thu 5% so với cùng kỳ nhưng vẫn không được 10% như kỳ vọng” - ông Mười nói.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt cũng cho rằng, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường luôn thấp hơn nhiều so với giá ngoài thị trường. Đặc biệt, trong 2 ngày cuối cùng của mùa kinh doanh tết, giá trứng bình ổn giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/chục nhưng vẫn không kéo sức mua tăng vọt như mong muốn.

Mua thực phẩm thiết yếu tại một chợ ở quận 1 ngày 18-2-2014. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Còn nhiều ẩn số

Với những gì diễn ra từ trước tết đến nay có thể khẳng định sức mua có biểu hiện tăng chậm nhất từ trước đến nay. Tổng kết, đánh giá thị trường tết 2014, Sở Công thương TPHCM cho biết, sức mua tại TPHCM tăng từ 10% - 15%. Riêng tại hệ thống Saigon Co.op - đơn vị luôn dẫn đầu về mức tăng trưởng doanh thu cũng chỉ đạt mức gần 15%. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ, mức tăng này thấp hơn so với những năm trước, nhưng vẫn đạt gần với dự báo của Saigon Co.op về sức mua trong dịp tết vừa qua.

Đánh giá chung về sức mua trong năm 2014, nhiều DN cho rằng vẫn còn nhiều ẩn số. Họ rất hồi hộp, lo lắng bởi thực chất của vấn đề sức mua là do yếu tố sống còn của nền kinh tế. Năm 2014, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm duy trì tốc độ tăng GDP 5,8%, CPI 7%, cũng đồng nghĩa sẽ không có sự đột phá về tiêu dùng. Người tiêu dùng vẫn đang thắt chặt chi tiêu và mua sắm chừng mực.

Theo thống kê của hệ thống Co.opMart, trong 3 năm gần đây, sức mua có xu hướng co cụm vào các nhóm hàng phục vụ cho nhu cầu hàng ngày như thực phẩm tươi sống, hóa phẩm và công nghệ phẩm. Các nhóm hàng tiêu dùng không thường xuyên như quần áo, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, giày dép rất khó tăng. Mặt khác, việc mua sắm của khách hàng được tính toán, chọn lọc một cách kỹ càng hơn. Sản phẩm nào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu và uy tín, đặc biệt có giá thành hợp lý mới thắng thế.

Để kích cầu tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng ở tầm vĩ mô Chính phủ cần nâng tổng cầu, thúc đẩy các nguồn vốn lưu chuyển mạnh mẽ trong các lĩnh vực đầu tư cơ bản, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với các DN, cần nắm bắt và phân tích kịp thời diễn biến thị trường, dự báo về sức mua một cách chính xác hơn để có định hướng kinh doanh phù hợp.

Từ mùa kinh doanh tết vừa qua, có thể khẳng định, xu hướng mua sắm của người dân đã có sự thay đổi rất lớn từ việc ăn tết sang vui tết, từ việc dự trữ nhiều mặt hàng thực phẩm sang việc mua sắm nhiều hơn các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thư giãn tết như hoa tươi phải đẹp, trái cây phải ngon… Nếu các DN không kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh rải đều trong năm mà chỉ trông chờ vào tháng tết, chắc chắn sẽ khó hoàn thành kế hoạch doanh thu.

 

Tin khác

Kinh tế 11 giờ trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 11 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, các phòng chuyên môn, Đội QLTT các địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch kiểm soát thị trường; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều nay (2/5), giá xăng tăng nhẹ. Mỗi lít xăng RON95 tăng 40 đồng, giá bán lên mức gần 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sau 6 ngày diễn ra (từ 26/4 đến 1/5), Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024 đã thu hút gần 56.000 lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu đạt 17,9 tỷ đồng.