SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 05/05/2024
  • Click để copy

Ấm lòng nhà giáo đón tết

08:25, 15/01/2014
Tết cận kề, người lao động ở mọi thành phần kinh tế, trong đó có các nhà giáo đều râm ran nỗi niềm, ngóng chờ khoản tiền thưởng hoặc quà tết. Để nhà giáo ấm lòng, giảm bớt ngậm ngùi, công đoàn ngành giáo dục TPHCM và các trường đều tất bật tìm nguồn sẻ chia quà tết và mang hương xuân đến nhiều nhà.

Giảm so với năm trước

Hầu hết các vị lãnh đạo, đại diện ngành giáo dục - đào tạo đều khẳng định ngành này không làm ra lợi nhuận nên không có tháng lương thứ 13 hay tiền thưởng tết như các doanh nghiệp. Thế nhưng, do thói quen, mọi người vẫn gọi các khoản tiền, quà nhận được vào dịp cuối năm là tiền thưởng tết. Năm nay, khảo sát một vòng các trường học trên địa bàn TPHCM, chúng tôi nhận thấy tình hình thưởng tết năm nay “hẻo” hơn năm trước do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều quận, huyện siết chặt các khoản chi. Vì thế, nguồn tiết kiệm từ chủ trương tự chủ tài chính cũng giảm, thậm chí không thể kết dư đối với nhiều trường tiểu học, THCS.

Thực tế cho thấy, trừ một số trường vẫn giữ được mức thưởng cao như năm ngoái hoặc tăng thêm, còn lại phần quà tết chỉ dao động ở mức 1 - 3 triệu đồng/người. Đối với nhiều trường THPT do Sở GD-ĐT TP quản lý, mức kết dư ngân sách từ chủ trương tự chủ tài chính khá hơn. Thế nhưng, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng trường, trong đó giáo viên có thâm niên đông, số học sinh thấp thì mức kết dư cũng cao thấp, chênh nhau khá xa. Từ nguồn tiết kiệm này, nếu không chia tăng lương theo từng tháng và để dồn đến cuối năm, nhiều trường có mức thưởng khoảng trên dưới 10 triệu đồng hoặc cao hơn, khoảng 15 - 20 triệu đồng/người. Tuy nhiên, đa phần các trường đều có mức thưởng từ nguồn tiết kiệm hoặc cho thuê mặt bằng, bình quân 1 tháng lương (khoảng 3 - 5 triệu đồng/người) hoặc cao hơn một chút.

Cô Lê Thị Khánh Hà, phụ trách công đoàn Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3, cho biết: “Tuy nguồn thu học phí cao nhưng nhà trường phải trích lại 40% cho ngân sách TP, còn lại đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy lạnh và trả lương cho giáo viên nên kết dư không nhiều. Tùy theo thâm niên, số tiết dạy, bình quân giáo viên trong trường được thưởng ở mức 2 - 3 triệu đồng/người”. Tương tự, Trường THPT Nguyễn Khuyến quận 10 thưởng giáo viên 1 tháng lương tương đương 4 - 5 triệu đồng… Tuy vậy, nhiều trường THCS và THPT ở nội thành cũng cám cảnh vì không có nguồn nào thưởng tết cho giáo viên. Thầy Lương Ngọc Duy, Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng quận 10, cho biết: “Tuy được quyền tự chủ về tài chính nhưng trường chúng tôi không có nguồn kết dư vì tài chính quận cấp vừa đủ khoản chi lương, chi thường xuyên trên đầu học sinh. Nhà trường cũng không có khoản thu nào khác để tạo quỹ phúc lợi, chăm lo quà tết nên… chỉ động viên giáo viên, cán bộ công nhân viên cố gắng thu vén trong khoản lương của mình”.

Cố gắng gói ghém

Theo bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, năm nay mức thưởng tết trên địa bàn quận cũng bằng năm trước, bình quân khoảng 1 - 2 triệu đồng/người. Ngoài khoản “gói ghém” từ nguồn tiết kiệm tăng thu nhập, công đoàn ngành GD-ĐT quận cũng hỗ trợ mỗi thầy cô thêm 300.000 đồng. Tuy vậy, khó khăn nhất vẫn là giáo viên ở các trường mầm non và chuyên biệt, ngoài đồng lương ít ỏi, họ chẳng có thêm nguồn thu nhập nào. Để tạo thêm quà tết, tăng thu nhập cho họ, nhiều trường mầm non tổ chức lễ hội mùa xuân bán tranh vẽ của học sinh, vận động phụ huynh mua ủng hộ. Tương tự, nhiều trường THCS, THPT cũng tổ chức lễ hội mùa xuân, gói bánh chưng để tiết kiệm và lấy sản phẩm tự làm này làm quà tết hoặc tặng cho những giáo viên đã nghỉ hưu. Trên tinh thần tiết kiệm, sẻ chia, các nhà giáo tiếp tục động viên nhau vượt qua khó khăn, đón tết đạm bạc.

Nhiều năm qua, những địa bàn được quan tâm nhiều nhất là huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và các quận ven… Dù khó khăn nhưng năm nay, công đoàn ngành đã vận động được 1.200 phần quà tết và những gói quà mang nặng nghĩa tình “tương thân tương ái” này sẽ góp phần sưởi ấm, giảm bớt nỗi ngậm ngùi ngày xuân cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đối với nghề giáo, sự đạm bạc luôn song hành và mong muốn có tiền thưởng tết như những người lao động khác luôn xa vời. Vì thế, dù nhận được khoản tiền, quà tết ít hay nhiều, các giáo viên ở TPHCM cũng cảm thấy ấm lòng hơn nhiều đồng nghiệp ở các địa phương, vùng sâu vùng xa không biết đến quà tết hoặc chỉ nhận được món quà nhỏ - trị giá vài trăm ngàn đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT TPHCM

"Nghề giáo sống chủ yếu bằng lương nên trường nào cũng phải “gói ghém”, “thắt lưng buộc bụng” nhằm tiết kiệm, kết dư được chút đỉnh để tăng thu nhập vào dịp cuối năm. Thế nhưng, không phải trường nào cũng có quà tết cho giáo viên, nhất là khu vực ngoại thành, vùng ven. Để chung tay chăm lo tết cho giáo viên, CB-CNV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM, năm nào công đoàn ngành cũng có chương trình hỗ trợ quà tết với tinh thần sẻ chia, mang hương xuân đến mọi nhà. Mỗi phần quà tết này còn có thêm ý nghĩa nhờ sự sẻ chia của đồng nghiệp từ những trường ở nội thành cho những trường nghèo ở ngoại thành…"

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Trong đó yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên môi trường về kết quả kiểm tra việc đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn, Liên Mạc, Tây Đằng - Minh Châu cao bất thường.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 4/5, Chánh Văn phòng, Người pháp ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã thông tin về tiến độ chuẩn bị cải cách tiền lương từ 1/7.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến 17h30 ngày 3/5, toàn thành phố có 54.509 thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành công.
Liên kết hữu ích