SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 05/05/2024
  • Click để copy

Xu hướng hòa giải trong tranh chấp sở hữu trí tuệ

14:24, 31/10/2023
Pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ hiện nay đã mở rộng, tạo điều kiện và khuyến khích các bên tranh chấp lựa chọn các hình thức mới, bao gồm hòa giải thương mại và trọng tài thương mại.
5ffd52c870c85

Xu hướng hòa giải trong tranh chấp sở hữu trí tuệ

Các phương thức mới này có thủ tục đơn giản, thời gian giải quyết nhanh chóng, bảo mật được các thông tin liên quan – thích hợp với những ai chuộng cách giải quyết tranh chấp trong phạm vi bảo mật.

Tranh chấp sở hữu trí tuệ (SHTT) thường phát sinh từ hành vi xâm phạm quyền SHTT của chủ sở hữu quyền được pháp luật bảo hộ. Về pháp lý, một hành vi được xác định là hành vi xâm phạm quyền SHTT khi có đủ bốn căn cứ(1): (i) đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; (ii) có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét; (iii) người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền SHTT và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép; và (iv) hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

Để ngăn ngừa và xử lý tình trạng xâm phạm quyền SHTT, pháp luật hiện hành cho phép chủ sở hữu quyền chủ động bảo vệ quyền SHTT của mình bằng các biện pháp sau đây(2): Áp dụng biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của pháp luật có liên quan; Và khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Cân nhắc các phương thức giải quyết

Việc giải quyết tranh chấp SHTT bằng biện pháp dân sự bao gồm việc các bên tự mình thương lượng, hòa giải, và/hoặc yêu cầu thực hiện hòa giải thương mại, và/hoặc yêu cầu giải quyết tại trọng tài thương mại hoặc tòa án có thẩm quyền.

Hiểu đại thể về phương thức Thương lượng là các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để giải quyết tranh chấp mà không có sự trợ giúp của bên thứ ba. Tuy nhiên, đây là hình thức đề cao tính tự nguyện và thiện chí của các bên mà không có sự ràng buộc bởi bất kỳ một khung pháp lý nào. Kết quả của việc thương lượng phụ thuộc nhiều vào ý chí, thái độ chủ quan của các bên tham gia, và không có tính bắt buộc thực hiện. Vì vậy, hiệu quả của việc thương lượng thường khó dự đoán và bảo đảm trên thực tế.

Về hòa giải thương mại, các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn một tổ chức hòa giải thương mại làm trung gian hòa giải những bất đồng giữa các bên.

Riêng với trọng tài và tòa án, về cơ bản gần giống nhau khi đều là cơ quan phán xử, ra phán quyết để buộc các bên thực hiện. Tuy nhiên cần phân biệt sự khác nhau giữa hai cơ quan tài phán này.

Lựa chọn tòa án có thể sẽ gặp nhiều hạn chế cho các chủ thể tham gia. Cụ thể, với nguyên tắc xét xử công khai của tòa án thì việc bảo mật danh tính của các chủ thể tranh chấp cũng như tài sản SHTT tranh chấp không thực hiện được, thời gian giải quyết tranh chấp cũng kéo dài. Ví dụ điển hình là vụ tranh chấp quyền tác giả giữa họa sĩ Lê Phong Linh và Công ty Phan Thị liên quan đến bộ truyện tranh “Thần Đồng Đất Việt”. Tính từ thời điểm họa sĩ Lê Phong Linh chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị vào tháng 4-2007, đến khi tòa án ban hành phán quyết cuối cùng vào ngày 18-2-2019 là gần 12 năm. Vụ án được xét xử công khai, thu hút sự chú ý của dư luận và danh tiếng của đôi bên theo đó bị tổn hại không ít.

Chưa kể, trong khi những hành vi xâm phạm SHTT ngày càng đa dạng và tinh vi, các vấn đề liên quan đến SHTT thường mang tính chuyên môn kỹ thuật cao(3) nhưng hệ thống tòa án hiện nay vẫn chưa có tòa chuyên trách về SHTT, dẫn đến việc số lượng và năng lực những thẩm phán chuyên xét xử vụ án về SHTT còn hạn chế, qua đó, ảnh hưởng đến thời gian xử lý tranh chấp và chất lượng của những bản án được ban hành.

So với tòa án, trọng tài có thủ tục tố tụng ngắn gọn, nhanh và bảo mật cao hơn do không theo nguyên tắc xét xử công khai – chỉ bao gồm các bên liên quan. Các tổ chức trọng tài thương mại đều có nhiều trọng tài viên là những chuyên gia hay luật sư am hiểu, có chuyên môn và có kinh nghiệm về lĩnh vực SHTT. Cả trọng tài và tòa án đều là các cơ quan tài phán và thường là lựa chọn cuối cùng của các bên khi thương lượng và hòa giải bất thành.

Còn mới mẻ ở Việt Nam

Phương thức hòa giải thương mại đã được quy định và khuyến khích áp dụng từ lâu nhưng ít được cân nhắc lựa chọn trên thực tiễn bởi do trước đây, các kết quả thương lượng hay kết quả hòa giải thành công đều không có tính bắt buộc thi hành.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 22/2017/NĐ-CP (Nghị định 22) có hiệu lực từ ngày 15-4-2017, những hạn chế về tính cưỡng bách của hình thức hòa giải thương mại cơ bản đã được khắc phục. Điều 16 Nghị định 22 quy định: văn bản thỏa thuận về kết quả hòa giải thành được “xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”. Theo đó, điều 416 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 cho phép tòa án xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành nếu kết quả này “do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải”. Việc giữ bí mật tất cả các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải là một trong ba nguyên tắc tối quan trọng của phương thức hòa giải thương mại(4).

Hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều tổ chức hòa giải thương mại, trong đó Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) – đơn vị đầu tiên được thành lập từ năm 2018, Trung tâm Hòa giải thương mại Quốc tế Việt Nam, Trung tâm Hòa giải thương mại Sài Gòn, Trung tâm Hòa giải thương mại Đông Nam Á… Hình thức hòa giải thương mại cũng cho phép các bên lựa chọn hòa giải viên, tham gia hòa giải trực tiếp hoặc trực tuyến – rất tiện lợi đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Về mặt thủ tục, tranh chấp SHTT chỉ được giải quyết bằng hòa giải thương mại khi các bên có thỏa thuận hòa giải, và thỏa thuận này có thể được thực hiện trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp. Dù vậy, các bên nên quy định rõ về việc ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại ngay từ khi soạn thảo hợp đồng liên quan đến SHTT để có cơ sở áp dụng hình thức này khi tranh chấp SHTT xảy ra.

Cho đến nay, phương thức hòa giải thương mại trong tranh chấp SHTT vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng việc sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết các tranh chấp về bản quyền âm nhạc không xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới. Và thực tế các bên liên quan ưa chuộng tìm kiếm phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như hòa giải hơn. Ngay WIPO, một tổ chức SHTT thế giới, cũng khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp tại hòa giải hoặc trọng tài. WIPO cũng có trung tâm hòa giải và trọng tài của riêng mình. Số liệu từ WIPO cho thấy ngày càng có nhiều bên chọn phương án giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải và trọng tài tại WIPO.

(1) Điều 05 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006

(2) Điều 198 Luật SHTT hiện hành

(3) Có thể thấy điều này qua vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ” về một số nội dung trong cuốn sách “Chim Việt Nam” năm 2018-2019, cả tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều có vẻ ngần ngại trong việc xem xét các tác phẩm nhiếp ảnh, vốn được ghi và lưu dưới dạng file ảnh trong thẻ nhớ của máy chụp hình kỹ thuật số của nguyên đơn, để công nhận quyền tác giả của nguyên đơn.

(4) Khoản 2 Điều 4 Nghị định 22

LS. Lê Quang Vy - Hòa giải viên VMC Đỗ Hòa An - Công ty Luật GV Lawyers

(Theo Thời báo kinh tế  Sài Gòn)

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Bộ LĐ,TB&XH vừa qua đã đưa ra phương án đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thực hiện từ ngày 1/7/2024 cùng với chính sách tiền lương mới. Ba nhóm đối tượng nào được điều chỉnh tăng lương hưu khi cải cách tiền lương?
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hoá đã bắt giữ 2 đối tượng Hoàng Trung Hiếu (tức “Hiếu Bao”), sinh năm 1986 ở thị trấn Thống Nhất và Nguyễn Công Hùng, sinh năm 1991 ở thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có những phản hồi tới báo chí về thông tin hãng AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây cục máu đông kèm giảm tiểu cầu (TTS).
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Trong đó yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.