SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 19/03/2024
  • Click để copy

Sếp lớn ngân hàng nói gì về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp?

05:00, 26/04/2022
Mới đây, Chủ tịch Techcombank ông Hồ Hùng Anh và Chủ tịch Vietcombank ông Phạm Quang Dũng đã có những đánh giá về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng.

Tổng hợp tại bản báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2021 của Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, các ngân hàng và công ty chứng khoán hiện là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp khi nắm giữ đến 52% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua, với tổng giá trị lên tới 373.000 tỷ đồng.

Trong đó, hai nhóm nhà đầu tư này mua 154.000 tỷ đồng, chiếm 68% trái phiếu ngân hàng phát hành, tập trung vào các trái phiếu kỳ hạn ngắn từ 1 - 4 năm và 153.000 tỷ đồng, chiếm 48% trái phiếu bất động sản phát hành.

Trong phạm vi 15 ngân hàng thương mại được SSI Research theo dõi, với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng thương mại đầu tư tính đến hết năm 2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm trước đó.

Xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất đang là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 62.809 tỷ đồng. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với lượng trái phiếu nắm giữ gần 43.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang sở hữu trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank),…

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể nhằm mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Bởi nếu đến kỳ hạn vay không có tiền trả nợ thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp "bắt tay" dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.

Chủ tịch Techcombank khẳng định tỷ lệ nợ xấu tại các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rất thấp

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra ngày 24/4, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank - Mã: TCB) đã dành nhiều thời gian để nói về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch ngân hàng Techcombank.

Ông Hồ Hùng Anh cho biết Techcombank nắm giữ khoảng 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. "Lý do mà ngân hàng giữ trái phiếu nhiều vì chúng tôi tin tưởng vào khả năng quản lý rủi ro của mình và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu", ông nói.

Với trái phiếu doanh nghiệp, Techcombank sẽ thẩm định dưới góc độ như một khoản vay trung dài hạn, trong đó sẽ có những cấu phần như phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ,… 

Nhận định về những vụ việc diễn ra trên thị trường chứng khoán và trái phiếu vừa qua, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho rằng những động thái này là nhằm làm sạch thị trường. 

Vị chủ tịch cho biết, mặc dù Techcombank là một trong những tổ chức phát hành trái phiếu nhiều nhất thị trường và tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng tỷ lệ nợ xấu ở mảng này rất thấp. Ông khẳng định rằng các trái phiếu và khoản vay của Techcombank đều vào các dự án có giấy tờ hợp lý, đang triển khai bán hàng, không đầu tư vào các dự án treo, giấy tờ không hợp lý.

Hơn 11.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại Vietcombank đều là nợ nhóm 1

Vừa qua, tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã có những đánh giá về việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết tại thời điểm 31/3/2022, dư nợ tín dụng tại Vietcombank đạt hơn 1 triệu tỷ đồng trong đó danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 1 tỷ trọng nhỏ trong danh mục tín dụng. Tại thời điểm 31/3/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank ở mức 11.400 tỷ đồng (khoảng 1% tổng dư nợ cho vay).

Ông khẳng định việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, được quản trị với cùng chuẩn mực như hoạt động cho vay nhằm đảm bảo kiểm soát được dòng tiền và mục đích sử dụng vốn.

"Toàn bộ dư nợ TPDN của Vietcombank hiện đều được phân loại nợ nhóm 1, các doanh nghiệp phát hành đều kinh doanh hiệu quả và thanh toán đúng hạn", lãnh đạo Vietcombank chia sẻ.

Đáng chú ý, để giúp thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Chủ tịch Vietcombank đưa ra ba ý kiến như sau:

Thứ nhất, xếp hạng tín nhiệm độc lập là một nền tảng hạ tầng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Do đó, một mặt rất cần khuyến khích sự hình thành và phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Mặt khác cần sớm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm độc lập bắt buộc đối với doanh nghiệp phát hành và trái phiếu phát hành.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp và trái phiếu phát hành là một trong các yếu tố then chốt giúp thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả. Xếp hạng tín nhiệm một mặt giúp bảo vệ các nhà đầu tư, mặt khác giúp doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt, huy động được vốn với chi phí thấp (việc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành và trái phiếu doanh nghiệp phát hành hiện nay là chưa bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP).

Thứ hai, quy mô trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua, lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm và lớn hơn nhiều so với quy mô TPDN phát hành ra công chúng.

Trong khi các TPDN phát hành ra công chúng được niêm yết và giao dịch tập trung tại HNX, tuyệt đại bộ phận các TPDN phát hành riêng lẻ được lưu ký và giao dịch phân tán.

Do đó, nên sớm xem xét hình thành thị trường giao dịch tập trung đối với TPDN phát hành riêng lẻ. Điều này sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường, tăng khả năng giám sát của các cơ quan quản lý, bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư. VCB xin được đăng ký cung cấp dịch vụ ngân hàng thanh toán cho thị trường giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Thứ ba, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cũng cần được liên tục cải thiện. Bên cạnh việc tăng cường đào tạo, truyền thông cho công chúng về các kiến thức đầu tư từ phổ thông tới nâng cao, cần thiết phải hoàn thiện các cơ chế quản lý, giám sát.

Công tác hậu kiểm và chế tài đi kèm đối với các DN phát hành, các tổ chức tham gia vào qui trình phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phải đủ sức răn đe để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, có kỷ cương, kỷ luật.

Hà Phương (t/h)

vnfinance.vn

Tin khác

Tin Tổng hợp 5 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 8 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 8 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 11 tháng trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 11 tháng trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.