SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Ngân hàng 'chê' trái phiếu

09:46, 19/07/2013
Ngoài nguyên nhân khối ngoại bán ròng, các đợt trái phiếu bắt đầu ế ẩm vì lãi suất thấp hơn kỳ vọng của các ngân hàng - khách "sộp" nhất trên thị trường 5 tháng đầu năm.

Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, giá trị trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp trong tháng 6 chỉ đạt 11.456 tỷ đồng, giảm 52,7% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 11/2012. 93,8% trong số này là trái phiếu kho bạc, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ chiếm tỷ trọng 6,2%.

Tỷ lệ phát hành thành công trong tháng 6 chỉ đạt 47%, giảm gần 30% so với tháng 5. Đồng thời, tỷ lệ đăng ký mua trái phiếu tháng 6 cũng giảm 1,4 lần từ mức 2,23 lần của tháng trước đó.

Lãi suất trúng thầu giảm liên tục từ tháng 9/2012 đến 5/2013. 5 tháng đầu năm, lãi suất trúng thầu đã giảm 2-2,17%, tương đương mức giảm trong cả năm 2012. Tới tháng 6, lãi suất trúng thầu mới phục hồi nhẹ, theo số liệu từ VCBS.

Mảng tín phiếu bớt ảm đạm hơn, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 3.000 tỷ đồng trong tháng 6. Tổng lượng đăng ký đặt thầu đạt 8.560 tỷ đồng, gấp 2,85 lần lượng phát hành. Tuy nhiên, kết quả này nếu so với tháng 5 vẫn thấp hơn 30%. Lãi suất trúng thầu giảm mạnh xuống 5,68% và chỉ hồi phục nhẹ về 5,8% vào cuối tháng.

“Trầm lắng” và “ảm đạm” là những từ VCBS mô tả về thị trường trái phiếu sơ cấp lẫn thứ cấp trong tháng qua. Trao đổi với VnExpress.net, ông Tống Minh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích tại Chứng khoán Vietcombank cho biết, tình hình kém sôi động một phần do động thái rút vốn ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định thu hẹp gói QE3. Chưa kể cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc bùng nổ cũng gây ảnh hưởng đến cung cầu trái phiếu.

Ngoài ra, nhu cầu đối với trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh ngắn hạn vẫn dồi dào. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất trúng thầu cao hơn mức được đưa ra nhưng kết quả lại không như ý khiến thị trường trầm lắng hơn, ông Tuấn nhận xét.

Bà Ngô Minh Hòa, phụ trách phân tích đầu tư trái phiếu tại Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, lượng trái phiếu phát hành đang giảm dần. Trên thực tế, số đăng ký tham dự thầu mỗi kỳ khá nhiều, nhưng thực tế lượng nhà đầu tư trúng thầu lại không cao. Nguyên nhân là các ngân hàng, công ty bảo hiểm vẫn mong muốn lãi suất đạt đến mức kỳ vọng mới chịu mua vào.

"Đầu năm, các ngân hàng đua nhau gom mua trái phiếu bắt nguồn từ việc lãi suất lúc bấy giờ rất cao. Trong khi đó, các ngân hàng, công ty bảo hiểm thường nghĩ lãi suất sẽ giảm về cuối năm nên cứ đơn vị nào nhanh tay sẽ gặt hái lợi nhuận. Do vậy, những tháng đầu năm, thị trường trái phiếu bao giờ cũng sôi động hơn", bà Hòa phân tích.

Theo kinh nghiệm của chuyên gia này, ngoài các thông tin vĩ mô từ Mỹ và động thái rút ròng của khối ngoại, giao dịch trái phiếu ngày càng trùng xuống còn theo xu hướng thị trường, tương tự như cùng kỳ các năm trước. “Đầu năm bao giờ cũng là khởi điểm vì khi đó tổ chức phát hàng cũng chưa tiên lượng hết tình hình cuối năm ra sao. Thế nên họ cứ phát với số lượng tối đa, nhưng sau đấy sẽ giảm dần vào cuối năm”, bà Hòa nói thêm.

Trong 6 tháng tới, bà Hòa nhận định, xu thế sẽ nghiêng về thị trường thứ cấp vì các ngân hàng thường cần vốn nhất định để cấp tín dụng. Như vậy, giao dịch trái phiếu giữa các nhà băng theo kiểu mua đi bán lại sẽ phát sinh nhiều hơn.

Trước đó, tính chung 6 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu khá sôi động và tăng trưởng khi tổng số khối lượng trái phiếu phát hành đạt 123,5 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của VCBS và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Trong đó, 85% là trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành.15% còn lại là của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Từ nay đến cuối năm, ông Tống Minh Tuấn cũng dự báo thị trường trái phiếu sẽ sớm sôi động trở lại do tăng trưởng tín dụng hồi phục chậm trong quý III và IV, trong khi thanh khoản ngân hàng dồi dào. Đồng thời, cung trái phiếu ở mức cao để tài trợ cho nhiều dự án của Chính phủ. Loại được ưa thích nhất vẫn là những trái phiếu kỳ hạn ngắn như 2-3 năm do lo ngại về rủi ro dài hạn.

Về động thái các nhà đầu tư nước ngoài, ông Tuấn cho biết, tính riêng tháng 6, khối ngoại bán ròng hơn 5.000 tỷ đồng trái phiếu do hiệu ứng rút tiền từ các thị trường mới nổi và mặt bằng lãi suất giảm. Trong khi 5 tháng đầu năm, xu thế chủ đạo vẫn là mua ròng do tỷ giá USD ổn định. Thời gian tới, động thái khối ngoại ra sao vẫn còn là câu hỏi lớn và phải chờ thông tin vĩ mô từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Một chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietinbank (Mã CK: CTS) cho biết, khối ngoại rút ròng chủ yếu là các quỹ mở. Theo chuyên gia này giải thích, những nhà đầu tư ngoại thường vay tiền ở nước ngoài với lãi suất thấp, sau đó quy đổi sang đồng Việt Nam và mua trái phiếu để hưởng chênh lệch lãi suất trong bối cảnh ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, tỷ giá USD tăng trong tháng 6 khiến dòng vốn của họ đảo chiều và có sự dịch chuyển. Vị chuyên gia này cho rằng, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài bán trái phiếu Việt Nam để rút tiền về, do vậy có khả năng dòng vốn này sẽ đổ vào thị trường cổ phiếu hay các kênh đầu tư khác.

Theo số liệu của PSI, dù giảm trong tháng 6, tính chung 6 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với quy mô phát hành và giao dịch gần bằng cả năm 2012. Mặt bằng lãi suất phát hành và giao dịch giảm mạnh từ 1% đến 2,5% so với thời điểm đầu năm, sát với diễn biến lãi suất trên thị trường ngân hàng và tiền tệ. 

Trên thị trường sơ cấp đã diễn ra 117 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu đạt hơn 116.470 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu toàn thị trường tăng từ 52% năm 2012 lên 68,9% trong 6 tháng đầu năm 2013.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch bình quân phiên tăng đáng kể, đạt hơn 1.900 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với năm 2012). Trong đó, có sự giao dịch tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị giao dịch mua bán của khối ngoại trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 100.000 tỷ đồng, xấp xỉ 80% giá trị giao dịch của khối này trong cả năm 2012. 

Mặc dù vậy thì việc tăng trưởng quá nhanh của thị trường trái phiếu trong một năm rưỡi gần đây bắt đầu gây quan ngại khi mà thu chi ngân sách chưa có cải thiện mạnh, thậm chí nguồn thu ngân sách có thể bị ảnh hưởng khi thực hiện các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này sẽ khiến các đợt đáo hạn trái phiếu trong tương lai sẽ bị tăng phục thuộc vào khả năng huy động trái phiếu ngay tại thời điểm đó lúc đó.

Tin khác

Kinh tế 9 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Liên kết hữu ích