Lật tẩy thủ đoạn sản xuất, buôn bán hơn 100 tấn sách giả tại Hà Nội
Tại Hội nghị thông tin tình hình, kết quả 45 ngày thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công an thành phố Hà Nội đã thông tin về vụ án Nguyễn Tiến Đạt cùng đồng phạm Sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra tại TP Hà Nội.
Các đối tượng bị bắt gồm: Nguyễn Tiến Đạt (sinh ngày 19/02/1993; quê quán: Tam Nông, Phú Thọ; HKTT: số 18-D KNƠTT, A10, Khu đô thị Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội; Phan Thành Long, (SN: 1999), là em họ của Đạt và Đinh Văn Thịnh, (SN: 1993, cùng ở thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" quy định tại Điều 192 - BLHS 2015.
Được biết, qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP Hà Nội phát hiện Nguyễn Tiến Đạt cùng vợ là Đào Thị Phương (sinh năm 1993) có nghi vấn hoạt động sản xuất, kinh doanh sách giả với số lượng rất lớn.
Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP Hà Nội đã triển khai công tác xác minh nhân thân, lai lịch, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh sách lậu của đối tượng; đặt sách mẫu mà đối tượng rao bán trên các nền tảng mạng xã hội để có cơ sở xác định tính chất thật, giả của các đầu sách. Từ những thông tin, tài liệu thu thập được, xác định Nguyễn Tiến Đạt có hoạt động sản xuất, kinh doanh sách giả.
Qua đó xác định, Đạt cùng Phan Thành Long (SN 1999), quê Tam Nông, Phú Thọ, trú huyện Quốc Oai, Hà Nội là cháu họ của Đạt và Đinh Văn Thịnh (SN 1993), trú huyện Quốc Oai góp vốn cùng làm. Long chịu trách nhiệm quản lý công việc tại xưởng in, photo copy, Đạt chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động sản xuất, mua bán.
Nguyễn Tiến Đạt lập hàng chục trang trên các mạng xã hội Facebook, Tiktok... để kinh doanh sách không có hoá đơn chứng từ, nghi có nguồn gốc in sao lậu với số lượng lớn và doanh thu rất lớn.
Ngày 20/12/2022, Cơ quan An ninh điều tra cùng với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an TP Hà Nội) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong Công an TP Hà Nội tiến hành khám xét khẩn cấp 8 địa điểm là nơi ở, nơi đặt máy móc phô tô tài liệu, đóng gói thành phẩm và kho chứa các loại sách giả. Kết quả khám xét thu giữ hơn 100 tấn sách, khoảng trên 400 đầu sách các loại, với gần 400 nghìn cuốn sách, nhiều máy móc thiết bị, phương tiện dùng để sản xuất, buôn bán sách giả.
Theo cơ quan chức năng, số lượng sách giả bán ra mỗi ngày được khoảng 300 - 400 đơn hàng (300 đến 600 quyển sách) tổng giá trị tiền hàng từ 50 triệu đồng - 70 triệu đồng/ngày. Sách gồm các loại thịnh hành như: Đắc Nhân Tâm, Đọc vị bất kỳ ai, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Muôn kiếp nhân sinh...
Giá thành sản xuất một cuốn sách chiếm khoảng 30% so với giá trị bán ra. Số tiền đầu tư kho xưởng, máy móc khoảng 2 tỷ đồng, trong đó gần một tỷ đồng là tiền lãi từ việc bán sách.
Có thể thấy, thực trạng hoạt động in sách giả, sách lậu, in nối bản trái phép đang diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn đọc, mà còn tổn hại cho lĩnh vực xuất bản, mất uy tín với đối tác quốc tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu tính răn đe; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa cao; việc phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra có thời điểm chưa hiệu quả...
Đặc biệt, các đối tượng in lậu, gia công sách in lậu có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó công tác kiểm tra của cơ quan chức năng. Họ thường thuê kho xưởng ở địa điểm xa trung tâm, ít người qua lại; in một nơi, gia công một nơi; tổ chức in, gia công theo hình thức "cuốn chiếu", không tập kết nhiều hàng ở một chỗ; dán tem nhái tem chống giả của các nhà xuất bản.
Hà Trang
TIN LIÊN QUAN
-
Chủ tịch VIPA Phạm Nghiêm Xuân Bắc: 'Nước ta có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng đơn đăng ký sáng chế'
-
1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm trên thương mại điện tử bị gỡ bỏ
-
Cục Quản lý dược đề nghị thu hồi lô thuốc Novotec-70 không đảm bảo chất lượng
-
Samsung giữ ngôi đầu trên bảng xếp hạng bằng sáng chế tại Mỹ