SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Chủ tịch VIPA Phạm Nghiêm Xuân Bắc: 'Nước ta có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng đơn đăng ký sáng chế'

10:13, 13/01/2023
(SHTT) - Những năm vừa qua, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hội nhập. Việt Nam cũng đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn đầy đủ, tương thích với các chuẩn mực quốc tế. 

Tuy nhiên các vụ việc xâm phạm SHTT vẫn diễn ra phổ biến và có dấu hiệu gia tăng. Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo đã có buổi trò chuyện cùng Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA) – ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc.

pham nghiem xuan bac3

 Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA) – ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta hiện nay, đặc biệt là trong thời đại 4.0?

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc: Hiện nay, thực trạng xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam đáng báo động. Thực tế cho thấy Việt Nam không phải là nước duy nhất gặp phải vấn nạn xâm phạm quyền SHTT mà nó xảy ra ở hầu hết các nước đang phát triển. Xâm phạm quyền SHTT làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp như ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư vào nghiên cứu phát triển sáng tạo, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, kế hoạch phát triển sản phẩm/dịch vụ mới.

Các hành vi xâm phạm quyền SHTT tương đối đa dạng, bao gồm nhưng không giới hạn: Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, tên doanh nghiệp, tên thương mại, tên miền; hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên mẫu nhãn, kiểu dáng bao bì sản phẩm và hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đăng ký sử dụng tên miền trên internet, xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, bí mật kinh doanh vv...

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả và quyền liên quan còn diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật đến khoa học, nhất là khi internet và các ứng dụng nền tảng ngày càng phát triển trong thời đại ngày nay.

Trong thời đại 4.0, các hành vi xâm phạm quyền SHTT được thực hiện bằng nhiều phương thức, công nghệ và thủ đoạn, diễn ra trên cả môi trường trực tiếp và môi trường kỹ thuật số, ví dụ như xâm pham quyền SHTT trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo, các website bán hàng trực tuyến, hay bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok. Hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số ngày càng phổ biến, mang tính chất phức tạp và việc phát hiện và xử lý các đối tượng xâm phạm trở nên hết sức khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất của liên ngành từ Trung ương đến địa phương.

PV: Luật SHTT sửa đổi đã được thông qua, tuy nhiên việc xử lý xâm phạm ở nước ta vẫn chưa thực sự có hiệu quả, các vụ việc xâm phạm vẫn diễn ra phổ biến và có dấu hiệu gia tăng. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc: Nguyên nhân của việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam chưa hiệu quả là vì các lý do sau đây:

Hệ thống pháp luật về thực thi quyền SHTT chưa hoàn thiện; ví dụ như các quy định về thực thi quyền trong môi trường số, hay xử lý tên miền vi phạm pháp luật về SHTT chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc xử lý các hành vi này.

Chế tài xử phạt các hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn xâm phạm một cách hiệu quả. Thực tế cho thấy có đến 95% vụ xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, mức phạt hành chính hiện nay (với doanh nghiệp tối đa 500 triệu đồng, cá nhân tối đa 250 triệu đồng) là chưa phù hợp với thực tế và chưa tương ứng với mức lợi nhuận mà chủ thể xâm phạm thu được. Điều này dẫn đến việc áp dụng biện pháp hành chính trong thực tiễn không đem lại hiệu quả như mong đợi và việc xâm phạm vẫn tái diễn gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của chủ thể quyền. Trong khi đó, các biện pháp dân sự và hình sự tại tòa án lại thường kéo dài, phức tạp và rất tốn kém để theo đuổi, dẫn đến việc chủ thể quyền thường không lựa chọn các biện pháp này để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nguồn nhân lực chuyên nghiệp của các cơ quan thực thi quyền SHTT từ Trung ương xuống địa phương còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT.

PV: Các doanh nghiệp khởi nghiệp thường viện lý do rằng họ mới khởi nghiệp, nguồn lực vừa thiếu lại vừa yếu, họ cần quan tâm đến thị trường và sản phẩm hơn là việc bảo hộ tài sản trí tuệ. Theo ông, quan điểm này có phù hợp không?

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc: Quan điểm này là không phù hợp vì bảo hộ tài sản trí tuệ phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu và quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up). Việc bảo hộ tài sản trí tuệ là điều cần thiết để thu hút nguồn vốn đầu tư (các nhà đầu tư khó quyết định rót vốn vào các sản phẩm có độ rủi ro bị làm hàng nhái, hàng giả cao), ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh (tài sản trí tuệ được bảo hộ hợp pháp là cơ sở pháp lý vững chắc chống lại các hành vi xâm phạm quyền SHTT của bên thứ ba) và đảm bảo cho sự phát triển vững mạnh của start-up (tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình nâng cao giá trị và uy tín doanh nghiệp). Vì vậy, việc xây dựng chiến lược đăng ký bảo hộ quyền SHTT một cách hiệu quả là sự sống còn đối với start-up.

 Một vài gợi ý đối với việc xây dựng chiến lược đăng ký bảo hộ quyền SHTT của start-up như sau:

Trước tiên, start-up cần đánh giá và xác định tài sản trí tuệ của doanh nghiệp: tên thương mại, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tên miền, phần mềm và cơ sở dữ liệu, vv.

Tiếp theo, start-up cần tiến hành đăng ký các tài sản trí tuệ với các cơ quan chức năng. Cuối cùng là thực thi các biện pháp bảo vệ quyền đối với các tài sản trí tuệ.

pham nghiem xuan bac1

 

PV: Bà Thitapha Wattanapruttipaisan, Giám đốc Văn phòng tại Singapore, Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) từng nhận định: Việt Nam có khả năng trở thành nước có số lượng nộp đơn đăng ký sáng chế hàng đầu ASEAN, ông đánh giá sao về điều này?

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc: Tôi cho rằng nhận định trên hoàn toàn có cơ sở dựa trên các căn cứ sau đây:

Chiến lược SHTT đến năm 2030 của Thủ tướng chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT, và tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về SHTT của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Ở mục tiêu này, các chỉ tiêu định lượng về số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp/quyền đối với giống cây trồng của cá nhân, tổ chức Việt Nam cũng được xác định rõ như: số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm.

Để đạt được các mục tiêu này, các nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã và đang được các cơ quan ban ngành phối hợp thực hiện, bao gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT; Tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; Thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; Khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; Phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; Tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT; Hình thành văn hóa SHTT trong xã hội và tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về SHTT.

Với việc triển khai các giải pháp về SHTT để cập trên, chúng ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể, cụ thể số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam gia tăng ấn tượng trong các năm 2020 với mức tăng 35% so với năm 2019. Đặc biệt, một số đơn vị đã đăng ký sáng chế ở các thị trường tiên tiến như Mỹ, châu Âu.

Trong giai đoạn 10 năm qua, lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của người Việt Nam đã tăng trưởng rõ rệt, nếu như khoảng những năm 2011 chỉ có vài trăm đơn được nộp mỗi năm thì đến 2020, con số này đã tăng gấp ba lần cho thấy nhu cầu và nhận thức về việc bảo vệ quyền đối với sáng chế nói riêng và SHTT nói chung của các tổ chức và cá nhân trong nước đã gia tăng đáng kể. Đây cũng là kết quả từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ quyền SHTT cho các cá nhân, tổ chức của tất cả các cơ quan, ban ngành, hiệp hội.

Xem xét số lượng đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN trong bảng dưới đây:

wipo

 

Có thể thấy rằng Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng đơn đăng      ký sáng chế, xếp hạng 5 trong năm 2019, và đã tiến lên hạng 3 trong các năm 2020 và 2021 trong khu vực ASEAN.

Do sự gia tăng nhanh chóng của các mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới và sáng tạo, Việt Nam hiện đang có 10 kỳ lân trong nước (các công ty khởi nghiệp công nghệ được định giá thị trường từ 1 tỷ USD trở lên), chiếm gần 10% trong tổng số khoảng 36 kỳ lân trong ASEAN vào năm 2021. Chúng ta hi vọng sẽ có thêm các kỳ lân công nghệ trong năm 2022 và các kỳ lân này sẽ góp phần làm tăng số lượng đơn sáng chế trong lĩnh vực công nghệ.

Ngoài ra, nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế và chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện R&D và đổi mới sáng tạo. Để thu hút đầu tư vào R&D, hoạt động đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã quyết định xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ cho các hoạt động R&D và đạt được hiệu quả cao. Nhờ đó năng lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt những kết quả ấn tượng. Chúng ta hi vọng sẽ đạt được nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới trong những năm sắp tới.

PV: Các mô hình kinh doanh kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo đã xuất hiện với tốc độ chóng mặt. Vậy theo ông, cơ hội nào dành cho các kỳ lân Việt Nam?

pham nghiem xuan bac2

 Chúng ta hi vọng sẽ đạt được nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới trong những năm sắp tới

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc: Thời đại 4.0 đã đẩy mạnh sự phát triển các mô hình kinh doanh kỹ thuật số với việc sử dụng công nghệ làm cốt lõi để nâng cao giá trị và trải nghiệm cho khách hàng, đồng thời cũng nâng cao năng lực phục vụ cho doanh nghiệp nhờ công nghệ kỹ thuật số. Sự tăng trưởng đều đặn của kinh doanh kỹ thuật số tại Việt Nam trong giai đoạn hiện tại đã đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ thương mại điện tử, tài chính số, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ hỗ trợ công nghệ.

Việt Nam đưa ra mục tiêu đạt tỷ lệ áp dụng kỹ thuật số tối thiểu 10% trên tất cả các lĩnh vực và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng mạng Internet tại Việt Nam là 80%.  Với mục tiêu này, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ tăng trưởng bền vững, tạo ra môi trường kinh doanh số vững mạnh, thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, đem đến những cơ hội thành công to lớn cho các kỳ lân Việt Nam.

Xin cảm ơn ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc về những chia sẻ, chúc ông thật nhiều sức khỏe để làm việc và cống hiến!

 Hương Mi (thực hiện)

Tin khác

Tài sản trí tuệ 5 giờ trước
Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “LuxCell - Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong y học tái tạo” ngang nhiên quảng cáo và hành nghề trái phép trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và tàng trữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc tại địa chỉ số 186 – 186A Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3.
Tài sản trí tuệ 5 giờ trước
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở kinh doanh tắm hơi, massage nhưng lại treo bảng hiệu Cheongdam - Dong cùng với các dòng chữ tiếng Hàn Quốc ngang nhiên quảng cáo là “phòng khám điều trị suy giãn tĩnh mạch thuộc top 1 châu Âu”.
Tài sản trí tuệ 6 giờ trước
(SHTT) - Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ thể trong nước. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy động lực sáng chế và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ cần sự đổi mới trong cách tiếp về sở hữu trí tuệ.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - LG Energy Solution (LGES), nhà sản xuất pin EV lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau CATL của Trung Quốc, mới đây đã có động thái nhằm cảnh báo hoặc thậm chí kiện những trường hợp nghi ngờ vi phạm bằng sáng chế của mình.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, tại Diễn đàn Khoa học và kinh tế toàn cầu 2024, tổ chức tại Dubai, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam đã nhận giải thưởng “Nhà sáng chế xuất sắc quốc tế - Nhà khoa học tài năng toàn cầu” và danh hiệu Viện sĩ Danh dự.