Hà Nội tăng cường quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ
Theo đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu 100% đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, về Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025".
100% đơn vị quản lý chợ xây dựng, ban hành Quy chế về quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 30% so với thời điểm trước khi thực hiện đề án.
Đồng thời, tối thiểu 100% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại theo quy định tại đề án.
Mặt khác, rà soát, bố trí vị trí thuận lợi để lắp đặt nhà trạm phục vụ Tổ kiểm tra làm việc, lấy mẫu xét nghiệm nhanh hằng ngày đối với các thực phẩm kinh doanh tại chợ.
Các đơn vị quản lý phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thành phố cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định trong chợ trên địa bàn Hà Nội chấp hành đầy đủ các quy định (có đăng ký kinh doanh, được cấp biển nhận diện và bảo đảm đầy đủ các điều kiện về con người, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản thực phẩm, bảo đảm chất lượng theo quy định pháp luật).
UBND TP. Hà Nội giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì giúp Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện Đề án; chủ động phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất kịp thời với UBND Thành phố các giải pháp nhằm thực hiện Đề án một cách hiệu quả; thường xuyên tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, kịp thời báo cáo UBND Thành phố xem xét chỉ đạo, hướng dẫn, quyết định.
Kinh phí thực hiện từ các nguồn vốn:
- Nguồn ngân sách Thành phố theo dự toán ngân sách thực hiện nhiệm vụ được giao cho các Sở, ban, ngành Thành phố và Ngân sách các cấp phân bổ công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp chợ hàng năm theo quy định; nguồn kinh phí tính theo dân số toàn Thành phố chi cho hoạt động an toàn thực phẩm.
- Nguồn vốn xã hội hóa: gồm vốn của doanh nghiệp, vốn của các hộ kinh doanh, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Nguồn viện trợ, tài trợ (nếu có).
Các Sở, ngành, UBND cấp huyện/xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tại Đề án lập dự toán kinh phí hàng năm thực hiện Đề án, gửi Sở Tài chính/cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện tốt Đề án.