SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 05/05/2024
  • Click để copy

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo chiều sâu

09:53, 08/06/2015
Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hoá (CPH) hàng năm kể từ năm 2011 đến nay theo xu hướng tăng dần, nhưng số DNNN còn lại cần hoàn thành CPH đến hết năm 2015 là khá nhiều, gồm cả các tập đoàn kinh tế (TĐKT) và tổng công ty (TCT) có quy mô rất lớn.

Đây là thách thức không nhỏ nhìn từ mục tiêu số lượng DN cần hoàn thành CPH và yêu cầu bảo đảm chất lượng, chiều sâu của tái cơ cấu thông qua CPH trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Thách thức về tiến độ và chiều sâu của CPH

Theo kế hoạch CPH DNNN giai đoạn 2014 - 2015, tổng số DNNN cần CPH là 432 DN. Số DN đã hoàn thành CPH trong năm qua là 242 DN. Như vậy, năm 2015 còn phải CPH 289 DN, nếu tính cả số DN đã hoàn thành CPH trong quý I-2015 thì vẫn còn khoảng 260 DN cần CPH. Nhìn vào số lượng DN đã CPH ở các giai đoạn 2011-2012, 2011- 2013, 2011-2014 thì thấy rằng bình quân một năm ở các giai đoạn này chỉ CPH được tương ứng là 12 DN, 33 DN, 60 DN. Trong khi số DN phải CPH năm 2015 là 289 DN, cao hơn rất nhiều so với bình quân năm ở các giai đoạn trước. Đây là thách thức không nhỏ nhìn từ mục tiêu số lượng DN cần hoàn thành CPH trong chương trình tái cơ cấu DNNN đến năm 2015.

Bên cạnh đó là các thách thức về mục tiêu chất lượng, về chiều sâu của tái cơ cấu thông qua CPH. Đó là, chuyển từ CPH theo chiều rộng - lấy số lượng DN hoàn thành CPH là mục tiêu, sang CPH theo chiều sâu - kết hợp CPH với tái cơ cấu DN sau CPH (kể cả tái cơ cấu trước khi CPH nếu cần), lấy chất lượng là mục tiêu. Trong đó nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng CPH là tạo ra động lực mới nhờ đổi mới quản trị DN và tạo ra đột phá nhờ nhân tố nhà đầu tư - cổ đông chiến lược. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các TĐKT và TCT có quy mô lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế quản trị DN tại các DNNN chuyển thành công ty cổ phần, nhất là tại các DN có cổ phần chi phối của Nhà nước nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến hoặc thay đổi rõ rệt, chưa chú trọng các biện pháp cải cách DN sau CPH, nhất là DNNN còn nắm cổ phần chi phối, chưa vận hành theo các nguyên tắc quản trị DN hiện đại theo thông lệ kinh tế thị trường, chưa bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, đối xử bình đẳng với mọi cổ đông. Ngoài ra, vấn đề thường được đặt ra đối với DN CPH, nhất là DNNN còn nắm cổ phần chi phối, là khó tìm kiếm cổ đông chiến lược có khả năng khỏa lấp một số hạn chế của DNNN trước CPH như yếu kém năng lực quản trị, điều hành hoặc đem lại những đột phá cho DN phát triển về công nghệ, thị trường...

Không nên chạy theo tiến độ CPH bằng mọi giá

Trong bối cảnh kinh tế vừa ra khỏi suy thoái và mới dần chuyển sang phục hồi, cầu của nền kinh tế có tăng nhưng chậm và chưa vững chắc, thì việc thực hiện kế hoạch CPH 289 DN (trong đó có cả TĐKT, TCT) trong năm 2015 gặp nhiều khó khăn, nhìn cả về ba chỉ số: số DN CPH, tiến độ thực hiện và chất lượng CPH. Có những cơ sở cho nhận định này. Một là, số lượng DN đưa vào kế hoạch CPH năm 2015 cao hơn rất nhiều so với trung bình hằng năm của giai đoạn 2011-2014 khi kinh tế suy thoái mạnh và chỉ mới bắt đầu phục hồi chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến cầu của nền kinh tế, từ đó có ảnh hưởng đến lượng cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) hay bán ra được từ các DN CPH. Trong bối cảnh đó, việc CPH là không thật có lợi nhìn từ phía cung là DNNN và Nhà nước. Hai là, CPH trong bối cảnh tái cơ cấu DNNN theo chiều sâu đòi hỏi tiến hành tái cơ cấu DN trước - một giai đoạn cần thiết trước khi CPH, nhất là đối với TĐKT, TCT. Cần dành thời gian cho tái cơ cấu DN thay vì chạy theo tiến độ, hoàn thành chỉ tiêu số lượng DN CPH. Ba là, điều quan trọng đối với DN CPH không phải chỉ là hoàn thành CPH, đăng ký DN thành công ty cổ phần, mà chủ yếu ở việc cải thiện quản trị DN, hiện đại hóa DN sau CPH để tăng sức cạnh tranh. Điều này cũng cần có nhiều thời gian và nỗ lực hơn trong và sau CPH.

Đối với các TĐKT, TCT hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, việc CPH cần phải có sự lựa chọn và các bước đi phù hợp với điều kiện của đất nước cũng như định hướng phát triển kinh tế của Đảng. Khác với các DNNN khác, việc CPH các DN quan trọng này không thể thực hiện ồ ạt mà phải được tiến hành theo nhiều giai đoạn phù hợp với kế hoạch và lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn nhà nước. Bên cạnh đó, để CPH các TĐKT, TCT quan trọng này cần có thêm những hướng dẫn cụ thể và đưa ra lộ trình với các bước triển khai cụ thể hơn.

Cần xây dựng luật về CPH DNNN. Việc này lẽ ra phải tiến hành từ lâu, vì CPH DNNN là vấn đề lớn, có tác động làm thay đổi sở hữu nhà nước tại DNNN, thay đổi vị trí của kinh tế nhà nước trong phạm vi ngành và nền kinh tế. CPH hay thoái vốn nhà nước liên quan đến vốn, tài sản nhà nước, xử lý nhiều vấn đề, đối diện với những rủi ro, thất thoát vốn, tài sản nhà nước, có thể ảnh hưởng đến khu vực kinh tế nhà nước, ngành, lĩnh vực chiến lược, tác động đến cán bộ, người lao động... Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có luật quy định về khung khổ hay quy định chi tiết về CPH. Trong khi đó, việc đầu tư, sử dụng vốn, thành lập, tổ chức, quản lý DNNN và DN có vốn nhà nước hầu hết đã được Quốc hội ban hành trong rất nhiều đạo luật.

Trong bối cảnh tái cơ cấu một cách cơ bản và sâu sắc khu vực DNNN, kể cả cơ cấu lại sở hữu của DNNN quan trọng, TĐKT và TCT, thì việc ban hành luật về CPH DNNN là cần thiết. Điều đó giúp tạo ra nền tảng pháp lý cao hơn, vững chắc hơn thay vì áp dụng các quy định dưới luật cho CPH những DN quy mô lớn như các TĐKT, TCT, các DN quan trọng, DN trong các ngành đặc thù liên quan đến đất đai như nông lâm trường, an ninh, quốc phòng cũng như cho việc thoái vốn nhà nước tại các DN sau CPH.

Các biện pháp tái cấu trúc DNNN hiện còn thiên về khu vực DN có 100% vốn Nhà nước, chưa chú trọng các biện pháp cải cách các DN sau CPH, nhất là DNNN còn nắm cổ phần chi phối. Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và cơ quan đổi mới DNNN mới chỉ quan tâm đến thực hiện kế hoạch sắp xếp, CPH, giao, bán, khoán cho thuê, chuyển đổi DN sang Luật DN mà chưa quan tâm quản trị DN sau CPH.

Tin khác

Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Tại buổi họp báo thông tin về hoạt động quý II/2024 của ngành công thương TP.HCM, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T: thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho giá trái cây tươi trong nước bất ngờ tăng vọt.
Kinh tế 11 giờ trước
(SHTT) - Báo cáo tài chính quý I/2024 của các hãng hàng không nội địa ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng so với con số thua lỗ của cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 30/5 đến 2/6 tại TPHCM, quy tụ gần 200 gian hàng là các thương hiệu, sản phẩm.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.