Chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu chống ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn?
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các chỉ số về ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM luôn ở mức rất cao - mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Thực trạng ô nhiễm hiện nay
Cụ thể, ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng trong tuần qua tại Hà Nội. Trong liên tiếp các ngày 10 đến 16-12, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều trạm quan trắc của thành phố chạm ngưỡng không tốt, có thời điểm rất xấu (AQI trong khoảng 201-300). Giá trị trung bình của bụi PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép ở tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt ở Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày 11 và 12-12. Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã phải khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời, đóng cửa và đeo khẩu trang khi ra đường.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đây là vấn đề được Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, trong đó phân công rất rõ nhiệm vụ với các cơ quan trung ương, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố. "Đây là vấn đề hết sức cấp bách, nghiêm trọng và nhạy cảm" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
Đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu tham dự cuộc họp đều cho rằng: Những nhóm nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết cực đoan.
Nguyên nhân chủ quan là từ khí thải của các phương tiện giao thông tập trung cao tại các khu đô thị. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ đầu quý 4/2019 đến nay, số xe đăng ký mới lên tới 84.000 phương tiện, nâng tổng số phương tiện đang quản lý trên 6.878.000 phương tiện, chưa kể các phương tiện của Công an, Quân đội và phương tiện từ tỉnh khác về. Còn Thành phố Hồ Chí Minh hiện cũng có tới 7,5 triệu xe máy…
Mặt khác, do một số bộ phận người dân sử dụng than tổ ong, hoạt động đốt rơm rạ; việc phá dỡ công trình xây dựng cũ để xây dựng mới, vận chuyển vật liệu đang biến thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thành “đại công trường xây dựng”; khói bụi từ cơ sở sản xuất trên địa bàn và các tỉnh lân cận...
Biện pháp chống ô nhiễm không khí
Theo Bộ trưởng TN-MT, giải pháp trước mắt đầu tiên là các cơ quan chức năng có nhiệm vụ tập trung nguồn lực, bằng mọi phương án, huy động mọi lực lượng để duy trì các trạm quan trắc tự động, cung cấp hằng ngày số liệu chính xác về chất lượng không khí cho người dân. Nếu chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại cần ngay lập tức có khuyến cáo để người dân thực hiện các biện pháp giữ gìn sức khỏe theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có ngay kế hoạch phun nước định kỳ hằng ngày, xem xét điều tiết các luồng giao thông ở những khu vực vượt ngưỡng ô nhiễm không khí.
Về các biện pháp lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết các bộ, ngành sẽ phối hợp để hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy nhanh hơn lộ trình xử lý ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở Hà Nội và TP HCM theo Quyết định 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất lượng không khí.
Hà Vân
TIN LIÊN QUAN
-
Cần nâng cao chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
-
Ngăn chặn kịp thời 30 tấn bánh kẹo không rõ nguồn gốc đang vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ
-
SGK “Cánh Diều” - Nội dung và hình thức theo chuẩn quốc tế
-
Tỷ phú Mỹ Daymond John và chủ tịch Big Invest Group Võ Phi Nhật Huy gặp gỡ cộng đồng đầu tư BĐS