Quý I/2024, Hà Nội ghi nhận nhiều điểm sáng trong bức trang kinh tế - xã hội
Năm 2024, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện Chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” với 05 trọng tâm chỉ đạo điều hành thực hiện 24 chỉ tiêu; 85 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 94 nhiệm vụ cụ thể gắn với việc giao trách nhiệm và tiến độ hoàn thành cho từng sở, ban, ngành và địa phương với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024. UBND Thành phố thông tin một số kết quả chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội tháng 3/2024 và Quý I/2024, cụ thể như sau:
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 03 tháng đầu năm 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ, trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.013 tỷ đồng, đạt 18,6% dự toán; Thu từ dầu thô 1.167 tỷ đồng, đạt 38,9% dự toán; Thu nội địa 140.698 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán. Chi ngân sách địa phương thực hiện 03 tháng đầu năm là 31.595 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 9.500 tỷ đồng, đạt 11,7% dự toán; Chi thường xuyên là 12.069 tỷ đồng, đạt 21,1% dự toán.
GRDP Quý I/2024 tăng 5,5%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (GRDP Quý I/2023 tăng 5,81%), các ngành duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng ngành dịch vụ Quý I/2024 thấp hơn cùng kỳ, cụ thể: Dịch vụ tăng 5,84% (cùng kỳ tăng 7,66%); Công nghiệp và Xây dựng tăng 4,77% (cùng kỳ tăng 2,39%); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản tăng 3,76% (cùng kỳ tăng 2,14%); Thuế sản phẩm tăng 4,94% (cùng kỳ tăng 1,44%).
Xuất, nhập khẩu Quý I/2024 phục hồi tăng trưởng
Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt 1.254 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 6,2%). Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.936 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 giảm 4,6%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,6%; 4/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là Hàng nông sản 49,8%; Xăng dầu 18,7%; Máy móc thiết bị phụ tùng 4,6%; Phương tiện vận tải và phụ tùng 33,2%;…
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 2.754 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 17,6%). Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 8.636 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 giảm 12%); trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,4%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ: Hàng điện gia dụng và linh kiện 15,5%; Sắt thép 27,9%; Kim loại khacs,5%; Ngô 17,5%; Hàng hóa khác 10,1%;...
Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 ước tăng 17,4% so với tháng 2/2024 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 2,9%). Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 0,8%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 14,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,6%; khai khoáng giảm 12,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 3 ước đạt 65,415 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 13,6%). Quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 199,651 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 12,6%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 129,285 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ (Quý I/2023 tăng 12,2%); doanh thu khách sạn, nhà hàng ước đạt 24,959 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% (Quý I/2023 tăng 12,5%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 6,150 nghìn tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ (Quý I/2023 gấp 02 lần). Doanh thu dịch vụ khác đạt 39,257 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% (Quý I/2023 tăng 6,7%).
Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3 ước đạt 17,809 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ. Lũy kế 3 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt tăng 12,3 so với cùng kỳ năm 2023. Số lượt hành khách vận chuyển Quý I/2024 tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 25,1%); số lượt hành khách luân chuyển tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 36,6%). Khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 23,9%); khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 19,1%).
Ngành du lịch duy trì tăng trưởng khá. Tháng 3/2024, Thủ đô Hà Nội đón 575 nghìn lượt khách (do cơ sở lưu trú phục vụ), tăng gần 41,9% so với cùng kỳ 2023 (cùng kỳ tăng 2,6 lần). Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 445 nghìn lượt khách, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 16 lần). Quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,528 triệu lượt khách, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 gấp 2,2 lần). Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1.117 nghìn lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 15 lần). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,14% so với tháng trước, tăng 5,36% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 3 tháng đầu năm nay tăng 5,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định
Thành phố đang tập trung triển khai sản xuất vụ Xuân 2024. Quý I/2024, diện tích gieo trồng cây rau, màu đạt 17.444 ha (80,7% KH); Diện tích gieo cấy đạt 80.380,8 ha, bằng 100,6% kế hoạch.
Chăn nuôi trâu, bò trong Quý I/2024 giảm nhẹ về số lượng và sản lượng gia súc, gia cầm, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn trâu hiện có 29,1 nghìn con, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 124 nghìn con, giảm 2,4%; đàn lợn 1,3 triệu con, giảm 5,1%; đàn gia cầm 37,8 triệu con, giảm 1,8% (đàn gà 24,9 triệu con, giảm 2,4%). Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng Quý I/2024 ước đạt 345 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò 1,9 nghìn tấn, tăng 0,1%; thịt lợn 44,1 nghìn tấn, tăng 5,6%; thịt gia cầm 27,5 nghìn tấn, tăng 1,9% (thịt gà 0,6 nghìn tấn, tăng 1,5%); trứng gia cầm 478 triệu quả, tăng 3% (trứng gà 235 triệu quả, tăng 2,6%). Năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản Quý I/2024 tăng khá, ước đạt 26.800 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Thành phố tích cực triển khai, phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Thìn 2024 và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Toàn Thành phố đã trồng được khoảng 125.000 cây xanh các loại tại các công trình công cộng, khu dí tích, trường học, đường giao thông, đạt 26,8% kế hoạch.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư
Trong tháng 3/2024, thành phố Hà Nội thu hút 53,88 triệu USD vốn FDI, trong đó: 20 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 33,41 triệu USD; 14 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 12,49 triệu USD và 12 lượt góp vốn với số vốn góp đạt 7,98 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 20/03/2024), Thành phố thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI (tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó: có 46 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 903,9 triệu USD; 31 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 21,57 triệu USD và 33 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 27,77 triệu USD.
Tháng 3/2024, có 2.925 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 24.364 tỷ đồng (giảm 11% về số lượng doanh nghiệp và giảm 22% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 3 tháng đầu năm, có 6.944 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 66.157 tỷ đồng (giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), 1.121 doanh nghiệp giải thể (tăng 23% so với cùng kỳ), 12.367 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 25% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 3.748 doanh nghiệp (tăng 10% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội là 384.299 doanh nghiệp.
Vốn đầu tư xã hội, tín dụng ngân hàng tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Tổng vốn đầu tư xã hội Quý I/2024 ước đạt 86.550 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 8,6%), trong đó vốn nhà nước tăng 10%; Vốn ngoài nhà nước tăng 8,2%; Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng 4,4%.
Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Đến 31/3/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD dự kiến đạt 5.337 nghìn tỷ đồng, tương đương so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 2,6%, tiền gửi thanh toán giảm 1,3% so với 31/12/2023. Tổng dư nợ của các TCTD đến 31/3/2023 ước đạt 1.509 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với 31/12/2023; dư nợ ngắn hạn tăng 0,3%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,2%; dư nợ VND tăng 0,8%, dư nợ ngoại tệ tăng 2,0% so với 31/12/2023.
Công tác tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được quan tâm
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn 2024; vận động cán bộ, Nhân dân trồng hàng triệu cây xanh, cây hoa tại nơi công sở, các di tích lịch sử, các điểm sinh hoạt văn hoá công cộng và ngay tại vườn nhà, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên toàn Thành phố.
Hàng hóa cung ứng phục vụ Tết Nguyên đán dồi dào, đa dạng tại hệ thống các điểm bán hàng gồm: 453 chợ, 137 siêu thị, trên 2.000 cửa hàng tiện ích; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 997 chuỗi cung ứng thưc phẩm nông lâm, thủy sản (trong đó của Hà Nội 159 chuỗi và 838 chuỗi của 43 tỉnh, thành phố; 100 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, 14.535 điểm bán hàng hàng hóa thiết yếu thuộc Chương trình bình ổn,... Lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường dịp trước, trong, sau Tết tăng trung bình 7% - 25% tùy từng nhóm hàng so với Kế hoạch Tết 2023, một số hệ thống phân phối lớn, các nhóm hàng như bánh mứt kẹo, nước giải khát, đồ khô tăng gấp đôi so với ngày thường (tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 90%). Tổng giá trị hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đạt khoảng 40,9 nghìn tỷ đồng.
Công tác thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được cơ quan các cấp quan tâm triển khai. Đến ngày 07/02/2024 (tức 28 tháng Chạp năm Quý Mão), Thành phố đã trao tặng 2.219.722 suất quà cho các đối tượng chính sách ưu đãi người có công; người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng khó khăn khác với tổng kinh phí 1.033,48 tỷ đồng (trong đó, nguồn xã hội hóa chiếm 25,4% tổng kinh phí quà tặng). Kết quả quà tặng đạt tỷ lệ 186,5% so với Kế hoạch tặng quà số 308/KH-UBND ngày 19/12/2023 của UBND Thành phố. Tổng kinh phí quà tặng tăng 198,6 tỷ (tương đương tăng 23,8%); số suất quà cũng tăng trên 440 nghìn suất (tương đương tăng 24,8%) so với kết quả quà tặng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong dịp Tết Nguyên đán, Thành phố đã trang trí, đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan; Trang trí trên vỉa hè, đảo giao thông tại 16 tuyến đường, phố, trục giao thông chính của thành phố và 06 cầu vượt… Tổ chức các chương trình nghệ thuật, hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chào mừng dịp Tết Giáp Thìn, trong đó nổi bật là Chương trình Lễ hội ánh sáng, nghệ thuật - Rực rỡ Thăng Long tại khu vực Hồ Tây, quận Tây Hồ ngày 09/02/2024 (30 Tết) thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trong nước, quốc tế và truyền thông, đồng thời đã tạo thêm vị thế, sự hấp dẫn, thu hút của điểm đến Thủ đô Hà Nội với du khách trong nước và quốc tế.
Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị chuyển biến tích cực…
Thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 Quy hoạch lớn để tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới cho thành phố, đó là: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Hiện nay, hệ thống mạng lưới cấp nước khu vực đô thị đã được phủ kín với tỷ lệ cấp nước đạt 100% và chỉ tiêu cấp nước khoảng 100 ÷150l/người/ngày. Đến hết tháng 3/2024, tại khu vực nông thôn tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đạt khoảng 90%, trong đó tỷ lệ đấu nối cấp nước đạt 67%, tổng số xã được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung 289/413.
Vận hành hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động, tỷ lệ đạt 30,9%; thực hiện công tác đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải: Yên Xá và chuẩn bị đầu tư dự án các nhà máy xử lý nước thải: Kiến Hưng, Sơn Tây, Tây sông Nhuệ… Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin.
Thành phố đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 19/02/2024 phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội năm 2024. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; xây dựng tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư đối với từng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 05 Khu nhà ở xã hội tập trung. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đảm bảo không cản trở mặt bằng thi công; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh các thủ tục để tăng tốc triển khai Dự án.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển
Xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ) đã được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 344/QĐ-BVHTTDL ngày 16/02/2024 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Các di tích của Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ Nhân dân và khách tham quan du lịch trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn; đón hơn 861.000 lượt khách, doanh thu đạt 52.6391 tỷ đồng. Đến nay, đã có gần 500 lễ hội được tổ chức, đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, đúng quy định. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là một nguồn lực, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Hoạt động thể dục thể thao phong trào tiếp tục phát triển, Thành phố đã tổ chức 256 hoạt động thể dục thể thao; lắp đặt 22 điểm tập luyện mẫu tại 16 quận, huyện.
Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh. Theo kết quả do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố ngày 12/3/2024, thành phố Hà Nội dẫn đầu xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương 2023. Chất lượng giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ; đến ngày 19/02/2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 64,3% (1.805/2.809), trong đó công lập là 79,3% (1.785/2.251), không tính các trường đặc thù (có học sinh khuyết tật); Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,15% dân số.
An sinh xã hội được đảm bảo; công tác chăm lo Tết 2024 cho nhân dân và đối tượng chính sách được thực hiện tốt; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Quý I/2024,Thành phố đã giải quyết việc làm cho 45,602 nghìn lao động, đạt 28,1% kế hoạch năm; tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 14,002 nghìn người với kinh phí hỗ trợ 450,4 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 11,345 nghìn người; hỗ trợ học nghề cho 181 người với số tiền 735 triệu đồng.
Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, kỷ cương hành chính được củng cố
Thực hiện rà soát bộ máy, vị trí việc làm và biên chế; UBND Thành phố ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các sở theo kế hoạch; Tăng cường quản lý và sử dụng biên chế giai đoạn 2024 - 2026. Thành phố tích cực triển khai tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn; giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Thành phố đã hoàn thành việc đánh giá chấm điểm Chỉ số CCHC năm 2023; Tổ chức thành công Hội nghị công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2023. Chỉ số CCHC trung bình cả hai khối Sở và khối Huyện đều tăng so với năm 2022. Khối Sở: chỉ số CCHC trung bình là 88.46% (tăng 2.73% so với năm 2022); Khối Huyện: chỉ số CCHC trung bình là 94.01% (tăng 1.26% so với năm 2022).
Công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo
Thành phố tổ chức thành công Lễ giao nhận quân năm 2024 với 3.700 công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, 794 công dân thực hiện nghĩa vụ Công an Nhân dân. Trong đó, có 1.471 công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ; 2.425 công dân có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đạt 65,5% so với chỉ tiêu giao quân...
PV