SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 16/05/2024
  • Click để copy

Những tờ báo cũ và thời đại mới

13:20, 21/06/2023
Thất lạc, lãng quên, ố màu… tờ báo cũ tưởng đã kết thúc sứ mệnh, nhưng nhờ các nhà sưu tầm, nghiên cứu phát hiện trở thành “hiện vật” sống động làm sáng tỏ nhiều câu chuyện lịch sử. Qua đó, báo cũ ẩn chứa bài học về kinh nghiệm tác nghiệp cùng nhân cách người cầm bút và các nhà sáng lập báo chí.

Dẫu công tác sưu tầm, nghiên cứu báo chí hiện nay còn không ít khó khăn và khoảng trống… nhưng vẫn có những người dấn thân, theo đuổi.

Doanh nhân và báo chí

Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Trần Viết Ngạc vừa ra mắt cuốn sách “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo”. Mở sách, nhiều chi tiết “đắt giá”, mới mẻ lần đầu công bố đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Sách kể về cuộc đời ý nghĩa của doanh nhân Bùi Huy Tín, từ đứa trẻ mồ côi, sáu năm ở trong trại lính Pháp đến khi trở thành vị doanh nhân dân tộc có công lớn ở nhiều lĩnh vực và trong sự nghiệp phát triển báo chí xuất bản. Ông là “cha đẻ” sáng lập hai tờ báo kinh tế nổi tiếng cả nước và thành lập nhà in đầu tiên tại Huế.

Qua cuốn sách, không ít người trong đó có cả giới nghiên cứu bất ngờ trước công trình công phu khi bắt gặp tờ Tràng An báo bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Huế với tên “La Gazette de Hué”. Tờ báo tiếng Pháp về Huế tồn tại 10 năm từ 1935 - 1945 nhưng hiện tại Việt Nam hầu hết không ai biết trông nó như thế nào.

Sach BHT

Cuốn sách “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo” đã bổ sung thêm nhiều thông tin phong phú đối với nguồn sử liệu quý, những tờ báo cũ có ý nghĩa trong thời đại mới.

Say mê lùng tìm báo cũ, ông Ngạc tiếp cận một số báo tại thư viện quốc gia Pháp với sự giúp đỡ của Tổng lãnh sự quán. “Ban đầu tôi nhờ bạn bè ở Pháp tìm đọc báo cũ trong thư viện, nhưng họ nói thư viện Pháp nhiều như rừng làm sao biết ở đâu để đọc”, ông Ngạc bồi hồi.

Ông Ngạc “thai nghén” cuốn sách từ tháng 12/2020 khi thế giới diễn ra đại dịch Covid-19. Có thời điểm, ông dành 17 tháng ròng rã vừa tìm tư liệu từ hàng ngàn tờ báo, từ những người kề cận doanh nhân Bùi Huy Tín vừa viết sách. Dẫu báo ố màu, tờ còn tờ mất, mỗi nơi mỗi số, ông cũng không nản lòng.

“Càng đọc trên những trang báo càng có nhiều chi tiết hấp dẫn, đó là thú vui của người nghiên cứu. Tôi đọc tư liệu về Bùi Huy Tín là đọc một tấm lòng, một nhân cách lớn. Tôi biết ơn ông dạy cho tôi nhiều điều. Cuốn sách này gửi đến cho doanh nhân sẽ ý nghĩa khi nhìn vào ông Tín, doanh nhân có lòng yêu nước sẽ không đặt lợi nhuận lên hàng đầu”, ông Ngạc bày tỏ.

Nhà nghiên cứu thí dụ, khi thành lập nhà in Đắc Lập, ông Bùi Huy Tín biết sẽ lỗ nhưng ông nói: “Huế nếu không có nhà in lớn làm sao phát triển văn hóa?”. Ông thuyết phục vua Khải Định, thủ phủ Trung Kỳ mà không có nhà in lớn là vô lý.

LVN

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Viết Ngạc.

“Bùi Huy Tín không làm vì lợi nhuận, ông làm vì không có là vô lý”, ông Ngạc phân tích.

Từ tư tưởng lớn và khác biệt, doanh nhân Bùi Huy Tín thành đạt nhiều mặt. Đặc biệt, ông tiên phong đóng góp vào sự phát triển báo chí không chỉ bằng việc bỏ tiền vào tờ báo mà còn thể hiện bởi “tuyên ngôn”: “Quan điểm của tờ báo cũng là quan điểm của chính tôi”.

Lật lại đại án nhà báo Nguyễn Xuân Các

Cũng như ông Ngạc, nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu có niềm đam mê đối với việc sưu tầm, nghiên cứu báo cũ. Đam mê “dắt đường”, hơn 20 năm xuôi ngược nhiều ngả đường, hiện nay ông sở hữu bộ sưu tập hơn 200 tờ báo từng xuất bản tại Huế.

Trong số những chuyến đi tìm báo cũ, ông Dương Phước Thu không sao quên được những ngày tháng vào Nam ra Bắc để gom đủ 17 số báo Dân. “Tôi gõ cửa rất nhiều thư viện, bảo tàng trong nước và quốc tế, trong nhà dân”, ông Thu kể.

Bao Dan

Tờ báo Dân được nhà nghiên cứu Dương Phước Thu dày công sưu tầm, nghiên cứu đã minh oan được cho nhà báo Nguyễn Xuân Các.

Báo Dân là tuần báo công khai đầu tiên của xứ ủy Trung Kỳ, xuất bản tại Huế số đầu tiên ngày 6/7/1938. Tờ báo uy tín bởi có Phan Đăng Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên xứ ủy Trung kỳ - trực tiếp chỉ đạo nội dung và biên tập tờ báo.

Thông qua việc sưu tầm báo cũ, ông Thu tình cờ lật lại đại án báo Dân bị đình bản ngày 7/10/1938 khi bị thu hồi giấy phép.

“Báo Dân bị đình bản, Tòa Nam án Thừa Thiên mở phiên tòa xử hai ông nghị viên là Nguyễn Đan Quế - chủ nhiệm và ông Nguyễn Xuân Các - thư ký trị sự tờ báo Dân về tội “Đăng tin thất thiệt” là”, ông Thu nhắc lại.

Trong đại án ồn ào, ông Nguyễn Xuân Các bị kết mức án 6 tháng tù hoặc nộp 60 đồng tiền phạt, bị tước quyền nghị viên. Báo Dân bị đóng cửa vĩnh viễn. Báo chí trong nước và cả Nguyễn Ái Quốc lên tiếng bảo vệ không thành.

Từ một nhà báo cách mạng, nhà báo Nguyễn Xuân Các lui về làm Trưởng ty Kinh tế, sau đó làm Chủ tịch Mặt trận tại Quảng Bình. Năm 1956, vì mất hết giấy tờ, ông bị quy kết “ông nghị Các”, bị bắt tù, kết án tử. Theo lời người nhà ông Các, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn vững tin vụ án sẽ được minh oan nên gửi thư ra thông tin đến vợ và các con.

NXC

Bức ảnh chụp gia đình nhà báo Nguyễn Xuân Các ra thăm Thủ đô theo lời mời của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Biết ông Các là cơ sở của mình, nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn canh cánh trong lòng vì không thể minh oan giúp. Năm 1980, tìm được gia đình ông Các, nguyên Tổng Bí thư trân trọng mời vợ, các con ông Các ra thăm Thủ đô. Ông xúc động trước hi sinh âm thầm của ông Các khi hoạt động đơn tuyến. Người “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng” mang vỏ bọc là “ông nghị” đầy quyền uy nhằm cắm sâu, leo cao trong chính quyền đô hộ, tạo thuận lợi cho Đảng, cho cách mạng về sau.

Ông Huỳnh Thúc Cẩn - hiền tế của ông Nguyễn Xuân Các - tường thuật lời ông Lê Duẩn: “Tội nghiệp anh Các bị đế quốc bắt đi tù đày đã đành, lại còn bị tù của ta và bị chết oan cũng vì hai chữ “ông nghị” này đây”. Sau hàng chục năm, câu chuyện hàm oan đầy tranh cãi của nhà báo Nguyễn Xuân Các cứ treo lơ lửng.

Tháng 7/2018, tại hội thảo “Báo Dân và dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng”, lần đầu tiên những số báo Dân năm 1938 được công bố, trên đó liên tục đăng tin về vụ án liên quan đến nhà báo Nguyễn Xuân Các.

“Sau này, hội thảo trở thành chứng cứ khoa học để gần đây ông Các được nhà nước công nhận là nhà báo cách mạng”, ông Dương Phước Thu rưng rưng.

Khó khăn và khoảng trống lớn trong sưu tầm báo cũ

Bằng chứng từ những tờ báo cũ như “món quà” ngoài mong đợi cho người sưu tầm, nghiên cứu. Khoảng trống về tư liệu lịch sử bị thất lạc giai đoạn cận hiện đại, nhờ có báo chí kịp thời làm “người thư ký trung thành của thời đại” giúp sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử. Chứng minh vai trò quan trọng của việc sưu tầm, nghiên cứu báo chí. Song đồng thời, khoảng trống tư liệu cũng là khó khăn cho người nghiên cứu.

Để được đọc báo chí từ năm 1975 trở về trước tại TP.HCM, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc dày công xin giấy giới thiệu, trình bày công trình đang nghiên cứu. Sau đó, ông vào phòng đọc hạn chế để nghiên cứu. Mỗi trích dẫn, bản photo đều phải trả tiền.

Bên cạnh vấn đề tiếp cận, còn những bất cập trong việc bảo quản báo chí cũ vì thiếu phương tiện. Không ít tờ báo bị hỏng, ố vàng, mất nhiều trang đang là những thách thức cho công tác sưu tầm, nghiên cứu.

“Tờ Thực nghiệp dân báo chỉ được lưu trữ đến năm 1926 còn những năm sau không đọc được. Phần sử liệu quan trọng chưa có tờ báo nào hay cuốn sách nào nói về cuộc khởi nghĩa Yên Bái nhiều hơn tờ Thực nghiệp dân báo, nhưng sẽ không rõ nếu không ai tìm đọc lại”, ông Ngạc băn khoăn trước những lỗ hổng lớn mình phát hiện qua việc nghiên cứu, lưu trữ tài liệu.

Ông Ngạc nhờ khắp nơi và đến được với thư viện Pháp qua những số báo số hóa. “Tôi bỏ ra chi phí 7 triệu đồng mua trang nhất và trang tư của số báo Tràng An bản tiếng Pháp xuất bản năm 1940. Vì không đủ tiền, tôi chỉ mua được hai trang trong một năm để xem trong đó viết gì. Nhờ Tổng lãnh sự quán tại Pháp mua giúp chứ không thể trực tiếp mua”, ông Ngạc nói thêm.

BD

Nhiều người chưa từng nhìn thấy tờ Tràng An bản tiếng Pháp có tên “La Gazette de Hué”, nhờ việc sưu tầm, nghiên cứu tìm lại khiến tờ báo cũ có ý nghĩa trong thời đại mới.

Có dịp ghé qua tham quan “gia tài” hơn 200 tờ báo của nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu. Trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng chất đầy sử liệu, ông thú nhận tìm hiểu, mua, sưu tầm báo cũ đến từ hai chữ “đam mê”.

“Nhiều năm về trước, tôi nghe nói có một gia đình ở Phú Thọ có giữ tờ Nhành Lúa. Đến nơi gia đình chỉ đồng ý cho tôi mượn scan. Để scan ở vùng quê nhiều năm trước không có máy móc tôi phải đi mấy trăm cây số về Hà Nội rồi đi ngược lên Phú Thọ để trả”, nhà nghiên cứu nhớ lại.

Ông Thu mua, xin lại các tờ báo cũ, tranh thủ nhiều nguồn tin từ Hội Nhà báo các tỉnh thành. Đó là những tờ báo cách mạng được in ở chiến khu kháng chiến rồi chuyển về đồng bằng, phát hành trong nội thành; hay các tờ báo được chính quyền thực dân Pháp cấp phép, người hoạt động cách mạng mua lại rồi ra báo có nội dung theo đường lối cách mạng.

Những số báo khi xuất bản bình thường qua thăng trầm thời đại lại trở thành tư liệu quý cho văn hóa, lịch sử.

“Mỗi hiện vật tờ báo rất quan trọng bởi khi cầm trên tay một tờ báo cũ, tôi thấy được nhà in, loại giấy, ngôn ngữ báo chí, cách đặt tít của thế hệ trước và cả thời đại đó”, nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu chia sẻ.

Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn nâng niu tờ báo cũ với nỗi lòng mong lấp đầy khoảng trống trong sưu tầm, nghiên cứu báo chí. Họ âm thầm tiếp lửa “về nguồn” cho thế hệ trẻ, tri ân những tiền bối làm nên “chiếc nôi” báo chí cả nước tại Huế một thời.

Hải Hạc

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Việc Google sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp câu trả lời cho câu hỏi tìm kiếm của người dùng khiến những người sở hữu trang web lo lắng về việc bị giảm lưu lượng truy cập vào website của họ.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày 16/5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức lễ trao giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2023 cho 23 tác phẩm/nhóm tác phẩm đoạt giải. Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Hoàng Giang chính thức phát động giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2024.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Vừa qua, Phó Tổng thư ký ASEAN cùng với Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN và Đại diện thường trú của UNDP tại Indonesia chính thức khởi động dự án đổi mới kinh tế xanh Asean.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã có quyết định số 1927/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030.
Tin tức 8 giờ trước
Ngày 16/5, Ban tổ chức Liên Đoàn cờ Đà Nẵng và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo cho biết: “Hơn 550 kỳ thủ miền Trung và nhiều kiện tướng quốc gia, quốc tế đến từ 32 đơn vị sẽ thi đấu Giải Cờ Vua các vận động viên chuyên nghiệp TP Đà Nẵng mở rộng lần IV năm 2024”.