Hàng loạt ông lớn công nghệ bị kiện phát hành nhạc lậu

(SHTT) - Mới đây, lần lượt các ứng dụng phát hành nhạc số của Apple, Google, Amazon, Microsoft đều bị cáo buộc về hành vi phát hành các phiên bản lậu bài hát của cố nhà soạn nhạc Harold Arlen.

Cụ thể, theo thông tin được đăng tải trên trang Apple Insider, mới đây, con trai của cố nhà soạn nhạc Harold Arlen và hãng thu SA Music đã đâm đơn kiện Apple và hàng loạt nhà phát hành nội dung kĩ thuật số, từ Google, Amazon, Microsoft cho đến Pandora, cho rằng đã cấu kết với các hãng thu âm vô danh, kém tên tuổi để nhập các phiên bản lậu của bài hát "Over the Rainbow" cùng nhiều bản thu khác của Harold Arlen. Trong tổng cộng 216 đơn kiện được gửi lên tòa án quận thuộc bang California, Apple bị dính đến 39 đơn.

Apple có tới 39 đơn kiện liên quan tới vẫn đề này được trình lên tòa án Clifornia. 

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Apple và các hãng bị kiện về vấn đề bản quyền và phát hành nhạc, họ chưa bao giờ đối mặt với cáo buộc phát hành nhạc lậu như thế này.

Cụ thể, gia đình Harold Arlen cho rằng các công ty công nghệ và hãng phát hành thiếu minh bạch và chặt chẽ trong quá trình nhập nguồn nhạc về bán trên cửa hàng, dẫn đến việc các phiên bản của bài "Over the Rainbow" và nhiều bài hát khác không xin phép bản quyền từ phía Harold Arlen, và đều được cho là bản lậu.

Harold Arlen là soạn nhạc nổi tiếng của tác phẩm "Over the Rainbow" trong bộ phim "The Wizard of Oz" cùng nhiều bài hát khác được không ít nghệ sĩ tên tuổi thể hiện bao gồm Art Tatum, Ella Fitzgerald, Etta James, Frank Sinatra, Louis Armstrong và Ray Charles. Theo gia đình, chúng gần như đã trở thành những huyền thoại, những kho báu của quốc gia. Đây có thể chính là lí do vì sao gia đình Harold Arlen lại muốn kiện tất cả các công ty trên cùng một lúc nhằm tìm lại công lí cho người đã mất.

Đơn kiện của gia đình ông còn đề cập đến một số trường hợp các phiên bản lậu được bán lẫn lộn với bản thu chính hãng với giá rẻ hơn và cách qua mặt cực kì tinh vi.

 Về cơ bản, thiết kế hình ảnh của sản phẩm gốc có logo đính kèm và giá bán cao hơn so với sản phẩm lậu.

Chẳng hạn, bản thu "For Every Man There's a Woman" của Ethel Ennis năm 1964 được hãng RCA Sony phát hành với giá 1.29$, nhưng kế bên đó lại có bản thu lậu của Stardust Records với giá chỉ 0.89$, bìa đĩa thu gốc đã bị chỉnh sửa lại nhằm che giấu hành vi ăn cắp.

Hoặc một ví dụ khác là album "Get Happy" của Benny Goodman năm 1955 chính hãng do Capitol Records có giá 7.99$ trên Google Play và Amazon, trong khi bản lậu của hãng Pickwick Group Limited chỉ bán với giá 6.99$.

Về vấn đề này, gia đình Harold Arlen đổ lỗi cho các công ty công nghệ và hãng phát hành nội dung kĩ thuật số quá tham lam, chăm chăm muốn tìm được các bản thu nổi tiếng mà không hề quan tâm đến nguồn nhạc, chất lượng hãng thu,... 

Hiện chưa có phát ngôn chính thức nào từ các hãng bị kiện.

Nam An