Làm quen với thương hiệu gạo Việt Nam

(SHTT) - Tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần 3 tổ chức tại tỉnh Long An, Bộ NN&PTNT đã chính công bố Logo thương hiệu gạo Việt Nam.

Việc làm này nhằm khẳng định thương hiệu hạt gạo quốc gia và nâng tầm vị thế thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Theo đó là hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị bền vững, nâng tầm hạt gạo Việt và vị thế của người nông dân Việt Nam.

Đây còn là dịp kết nối các hoạt động quảng bá tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực của các tỉnh, thành khác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến với các vùng miền trên cả nước, cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh, tìm kiếm giải pháp chiến lược cho sự phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới.

Vấn đề thương hiệu cho sản phẩm hiện nay đã được các cơ quan nhà nước, tổ chức nghề nghiệp, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là giai đoạn hiện nay, nền kinh tế VN đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

Ngay cả các sản phẩm tại địa phương, các cơ quan quản lý cũng rất quan tâm đến thương hiệu sản phẩm, nhằm giúp người dân xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị, uy tín sản phẩm. Với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thành phố Hải Phòng có 42 sản phẩm có thế mạnh, trong đó Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp 36 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Hải Phòng đã cấp tem, mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho một số Hợp tác xã. Thành phố Hải Phòng cũng xây dựng chính sách hỗ trợ “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, hỗ trợ một lần cho 1 làng 50% kinh phí và không quá 1 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, trang thiết bị, gắn nhãn mác, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

 

Quận Đồ Sơn là địa phương thành công trong hỗ trợ bà con phát triển thương hiệu cá thu một nắng Đồ Sơn và táo Bàng La. Đây cũng là 2 sản phẩm Hải Phòng chọn đưa vào chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”.

Để có thương hiệu tốt, Phòng Kinh tế Hạ tầng quận Đồ Sơn và Hội Nông dân quận Đồ Sơn đồng hành cùng người dân từ việc tập hợp các hộ sản xuất, hướng dẫn, kết nối xây dựng thương hiệu và giới thiệu sản phẩm. Khi cả 2 sản phẩm này đều đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ tập thể, người nông dân có đầu ra ổn định hơn.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện có tới hơn 80% lượng hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Chẳng hạn như chè Việt Nam là một sản phẩm có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu ở tầm quốc gia và 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè của chúng ta được xuất khẩu ở dạng thô, rời, chưa chế biến sâu. Các doanh nghiệp nước ngoài sau khi nhập về mới chế biến và bán dưới tên, thương hiệu chè của nhiều nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...

Việt Nam hiện là một trong các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với nhiều sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD. Tuy nhiên đến nay, phần lớn nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, nhiều sản phẩm bán ra thị trường thế giới nhưng lại thông qua thương hiệu nước ngoài. Thực trạng này cho thấy việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu các ngành hàng nông sản Việt Nam đang là vấn đề cấp bách.

Mã Thành Phát