Google bị tố cáo ăn cắp lời bài hát từ Genius Media

(SHTT) - Mới đây, Genius Media đã lên tiếng tố cáo Google sao chép trắng trợn lời bài hát của họ để sử dụng trong trình tìm kiếm mà không có bất kỳ sự xin phép nào.

Theo cáo buộc này, khi tìm kiếm tên một bài hát trên Google, người dùng sẽ thấy trong phần kết quả hiển thị, ngoài những đường link còn có một khung thông tin với lời bài hát.

Genius Media tố cáo rằng phần nội dung trong khung thông tin trên đã được Google sao chép trái phép từ website Genius.com của họ. Hành vi đó đã dẫn đến lượng truy cập trên trang chủ của Genius Media bị suy giảm.

Để dễ dàng phát hiện lời bài hát của họ bị sao chép, Genius.com sử dụng thay phiên một loạt những dấu nháy thẳng và cong. Những dấu nháy này sẽ tạo thành một loại đóng dấu mà khi chuyển sang mã Morse sẽ ra ý nghĩa là chữ "Red Hands', nó nôm na là bắt trộm tận tay.

Một phần so sánh được Genius Media đưa ra làm chứng cứ cho lập luận về hành vi "ăn cắp" của Google. 

Sự nghi ngờ của Genius Media đối với Google bắt đầu từ năm 2016 với lời bài hát Panda của rapper Desiigner. Bài hát này vốn rất khó hiểu nên hàng loạt trang đều đưa ra lời nhạc sai, trừ Genius.com do được chính chủ cung cấp lời. 

Sau đó, đơn vị chủ quản Genius Media đã liên hệ với Google vào năm 2017 để đưa ra các cáo buộc vi phạm bản quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Về phía Google, hãng khẳng định những lời bài hát sử dụng trong trình tìm kiếm không phải đến từ Genius.com mà từ đối tác thứ 3 là LyricFind inc và hãng luôn tôn trọng tác quyền sở hữu dữ liệu. LyricFind cũng phủ nhận họ lấy lời bài hát từ Genius.com.

Google cũng cho biết, họ đang tiến hành điều tra vấn đề này với các đối tác dữ liệu và nếu phát hiện đối tác có hành vi kinh doanh không đúng luật thì sẽ ngưng hợp tác.

Các thông tin liên quan tới sản phẩm 'You Need To Calm Down' của nữ ca sỹ Taylor Swift trên website Genius.com

Trên thực tế thì khung thông tin là một trong những nỗ lực của Google trong việc đem đến lời giải đáp trực tiếp cho người dùng khi tìm kiếm, thay vì buộc họ phải click vào website để biết kết quả. Tuy vậy điều này vô tình đã khiến lượng truy cập của các website bị ảnh hưởng. Điển hình là vào tháng 3 vừa qua thì nghiên cứu của Jumpshot Inc cho thấy 62% lượt tìm kiếm trên di động không dẫn đến việc người dùng click vào đường link website.

Hà An