Lào Cai: Bảo hộ sở hữu trí tuệ thêm 5 sản phẩm trong năm 2019

(SHTT) - Trong năm 2019, tỉnh Lào Cai sẽ có thêm 5 nhãn hiệu sở hữu trí tuệ. Với việc nâng cao bảo hộ sản phẩm sẽ giúp phát triển sản xuất đặc sản địa phương, đảm bảo giá trị thương mại.

5 sản phẩm của tỉnh Lào Cai sẽ được bảo hộ sở hữu trí tuệ trong năm 2019 bao gồm: Cá nước lạnh Bát Xát (cho sản phẩm cá Hồi, cá Tầm của huyện Bát Xát); Sa nhân tím Mường Khương (cho sản phẩm Sa nhân tím của huyện Mường Khương); Vịt cổ nhung xanh Văn Bàn (cho sản phẩm Vịt cổ nhung xanh của huyện Văn Bàn); Bưởi Văn Bàn (cho sản phẩm Bưởi của huyện Văn Bàn); Chè Ô long Cao Sơn (cho sản phẩm Chè Ô long của xã Cao Sơn huyện Mường Khương).

Đây là các danh mục thuộc dự án Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, trong giai đoạn 2016 – 2010. Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển khoảng 20 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ Cá nước lạnh Bát Xát

Với độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, nhiều địa phương của huyện Bát Xát (Lào Cai) có điều kiện khí hậu, nguồn nước cũng như hệ sinh thái môi trường gần giống với Sa Pa nên rất thuận lợi cho việc nuôi các loài cá nước lạnh, đặc biệt là cá hồi, cá tầm. Nhằm phát triển kinh tế địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, huyện Bát Xát đã khuyến khích người dân phát triển nuôi cá nước lạnh gắn với bảo vệ hệ sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ Sa nhân tím Mường Khương

Với đặc tính dễ trồng dưới tán rừng tự nhiên và tái sinh, khả năng sinh trưởng, phát tán nhanh, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, sa nhân tím đang là “cây xóa nghèo” hiệu quả ở vùng cao, đất dốc, khô hạn của tỉnh Lào Cai. Chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây đang tập trung quy hoạch, phát triển cây sa nhân tím để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, gắn với bảo vệ rừng.

 

Bảo hộ sở hữu trí tuệ Vịt cổ nhung xanh Văn Bàn

Sản phẩm Vịt cổ nhung xanh của huyện Văn Bàn cũng sẽ được tỉnh Lào Cai bảo hộ sở hữu trí tuệ trong năm 2019. Đây được xem là cơ hội để người dân ở huyện Văn Bàn có thể nâng cao kinh tế, đưa sản phẩm này đến nhiều vùng miền Tổ quốc.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ Bưởi Văn Bàn

Các sản phẩm cây có múi của huyện Văn Bàn đã vươn ra ngoài thị trường tỉnh, đến tận thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Việc phát triển vùng cây có múi tại các xã phía Nam của huyện Văn Bàn đã tạo ra những cơ hội lớn, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống bà con nông dân.

 

Tuy không phải là địa phương nổi tiếng với giống bưởi đặc sản-bưởi Diễn, nhưng vài năm nay, nhắc đến Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn là người dân quanh vùng lại nói về ông Nguyễn Thế Hùng, thôn Pắc Sung với trang trại gần 100 gốc bưởi diễn, mỗi năm thu lãi gần trăm triệu đồng từ bán bưởi. Là người đầu tiên mang giống bưởi Diễn nổi tiếng về huyện Văn Bàn, những ông Hùng lại không nghĩ rằng, giống bưởi này lại là nguồn thu nhập chính từ gia đình. Theo ông Hùng, mỗi cây bưởi Diễn, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, sau từ 3 -4 năm có thể cho thu hoạch, mỗi gốc bưởi có thể cho từ 90-100 quả, gốc sai quả nhất có thể lên đến 200-300 quả.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ Chè Ô Long Cao Sơn

Trà Ô Long Cao Sơn vốn có nguồn gốc từ trà Ô Long truyền thống nhưng có hương vị đặc biệt và mùi hương thu hút các giác quan và tạo ra một kết nối giữ trà và tâm trí cơ thể.

 

Những người yêu thích uống trà Cao Sơn không chỉ vì lợi ích sức khỏe tuyệt vời của nó do được pha trộn các đặc tính của trà xanh và trà đen, nhưng nhiều hơn vậy trà Cao Sơn còn có hương thơm nhẹ nhàng như hoa lá và đôi khi là cả mùi trái cây. Cả hương thơm và mùi vị riêng của trà Cao Sơn được thấm đẫm nhuần nhuyễn khiến người thưởng trà được thư giãn và nâng cao tinh thần.

Vân Trà