Cần đưa SHTT thành một bộ phận chính yếu trong các trường đại học

(SHTT) - Hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Vì vậy Cục SHTT Việt Nam đã đề xuất việc đưa SHTT trở thành một bộ phận chính yếu trong các khoa luật, tại các cơ sở đào tạo đại học, học viện kỹ thuật, quản lý và nghiên cứu khoa học.

Vào chiều ngày 13/3, Hội thảo "Nhu cầu xã hội về đào tạo chuyên ngành Quản lý Sở hữu trí tuệ bậc thạc sĩ và đề xuất những mô hình tham khảo" đã được diễn ra tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội thảo có sự góp mặt của đông đảo các thầy cô, sinh viên trong trường và đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (SHTT).

 

Tham dự hội thảo, PGS.TS Trần Văn Nam, Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đánh giá nguồn nhân lực SHTT là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến sự phát triển của hệ thống SHTT. Nguồn nhân lực chính thuộc Cơ quan SHTT quốc gia, Viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan thực thi như Tòa án, công an Hải quan... và các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội hỗ trợ.

Trong bài tham luận của mình, PGS.TS Trần Văn Nam cũng đã đưa ra những hoạt động đào tạo nhân lực SHTT đáng chú ý thời gian qua. Để đào tạo cho nhân lực cơ quan Cục SHTT, các giảng viên đều là các thẩm định viên có kinh nghiệm và chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và một số nước châu Âu. Cục SHTT cũng đã cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu do WIPO, EUIPO và các cơ quan SHTT các nước tổ chức.

Bên cạnh đó, việc đào tạo cán bộ chuyên trách về SHTT cho các Sở KHCN ở địa phương, đào tạo về SHTT cho các cơ quan thực thi và đào tạo chuyên sâu cho những người hành nghề trong lĩnh vực đại diện sở hữu công nghiệp cũng được đề cao.

 

Cục SHTT Việt Nam cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các khóa đào tạo về SHTT dành cho cán bộ các cơ quan quản lý đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức các khóa đào tạo kiến thức chung về SHTT dành cho doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu.

Tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc phát triển nguồn nhân lực SHTT ở Việt Nam. Đó là số lượng nhân lực còn ít, thiếu các thẩm định viên ở tất cả các lĩnh vực; các trường đại học thiếu giảng viên về SHTT, các doanh nghiệp thiếu cán bộ thị trường chiến lược có kiến thức sâu về SHTT. Bên cạnh đó còn có sự hạn chế về chất lượng nhân lực SHTT như chưa được đào tạo bài bản, thiếu hệ thống giáo trình, ngoại ngữ...; việc đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế.

 

Trước thực trạng như hiện nay, Cục SHTT Việt Nam đã đưa ra các đề xuất nhằm đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực SHTT. Cụ thể, Cục đề xuất việc thiết lập một mạng lưới giảng viên và nhà nghiên cứu về SHTT. Đưa SHTT trở thành một bộ phận chính yếu trong các khoa luật, tại các cơ sở đào tạo đại học, học viện kỹ thuật, quản lý và nghiên cứu khoa học.

Cục cũng đề xuất Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) tăng cường hoạt động đào tạo, đặc biệt chú trọng các nước đang phát triển cũng như xây dựng các chương trình, tài liệu học tập cho từng nhóm đối tượng khác nhau và thường xuyên cập nhật.

Hương Mi