Ấn Độ: Hàng nghìn người dân bị lừa tiêm vắc xin giả giữa 'bão' COVID-19

(SHTT) - Nhà chức trách Ấn Độ mới đây xác nhận đã có hàng nghìn người dân tại đất nước này là nạn nhân của một vụ lừa đảo tinh vi liên quan đến hoạt động tiêm vắc xin giả. Đặc biệt, vụ việc còn có sự liên đới tới nhiều nhân viên y tế trong các bệnh viện.

Theo ông Vishal Thakur, thuộc Sở Cảnh sát Mumbai, ít nhất 12 điểm tiêm vắc xin giả mạo đã được dựng lên ở Mumbai, bang Maharashtra.

Theo tính toán từ giới chức địa phương, đã có khoảng 2.500 nạn nhân bị tiêm nước muối thay vì vắc xin và vẫn bị thu tiền tiêm phòng. Đường dây này đã chiếm lòng tin của người dân bằng cách thông đồng với một số nhân viên y tế tại một bệnh viện địa phương để có được chứng nhận vắc xin giả, lọ vắc xin giả và kim tiêm.

Theo phát hiện sơ bộ, một tổ chức của người dân là Hiệp hội Phúc lợi cho cư dân Hiranandani (HHRWA) muốn tổ chức tiêm chủng và liên hệ với đại diện của một bệnh viện danh tiếng. Người này lại có một người trung gian và sau đó đợt tiêm chủng được tiến hành với bên khác.

Điểm tiêm giả không có giấy phép của cơ quan chức năng và không có bác sĩ có trình độ chuyên môn nào có mặt trong suốt quá trình diễn ra tiêm chủng, dù là giả, trong trường hợp có người cần chăm sóc y tế.

Ước tính, số lợi bất chính mà nhóm người này thu được từ hoạt động phạm pháp này là khoảng 28.000 USD.

 

Cho đến nay, 14 đối tượng liên quan tới sự việc đã bị bắt do nghi ngờ gian lận, âm mưu giết người và các tội khác. Ông Thakur cho biết có thể sẽ có nhiều người nữa bị bắt do cảnh sát đang tiếp tục điều tra những người khác có liên quan.

 Dịch COVID-19 gây ra những hậu quả tàn khốc ở Ấn Độ trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2021. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 5-2021, số ca nhiễm mới hằng ngày đã giảm đáng kể.

Các điểm tiêm vắc xin giả xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021. Các nạn nhân nghi mình bị tiêm vắc xin giả và tố cáo với cảnh sát do giấy chứng nhận tiêm vắc xin của họ được cung cấp bởi một bệnh viện khác với thông báo.

Tại một điểm tiêm giả ở một khu nhà ở xã hội, người dân cho biết không ai gặp bất cứ phản ứng phụ nào sau khi tiêm và họ được yêu cầu trả tiền mặt.

Vụ việc gây sốc với cơ quan chức năng. Đây cũng là bài học về quản lý để không người dân vô tội nào phải chịu hậu quả từ những vụ lừa đảo tương tự liên quan đến vắc xin COVID-19 giả trong tương lai.

Trước đó, vào tháng 2/2021, một vụ việc tương tự cũng đã được phát hiện tại Trung Quốc. Theo đó, bài đăng của CCTV đính kèm một video cho biết cơ quan công an thủ đô Bắc Kinh, tỉnh Giang Tô và tỉnh Sơn Đông đã phối hợp bắt hơn 80 nghi phạm sản xuất vắc xin giả và tịch thu 3.000 liều vắc xin giả tại hiện trường. Được biết, đường dây làm vắc xin giả này đã bắt đầu hoạt động kiếm lời từ tháng 9/2020.

Thái An