Nhà xuất bản vi phạm bản quyền: Lỗi do đâu?

(SHTT) - Lỗ hổng bản quyền vẫn luôn là một vấn đề gây nhức nhối, đặc biệt trong lĩnh vực xuất bản. Các nhà xuất bản như Giáo dục, Thanh Niên cũng không ít lần bị kiện vì xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vậy nguyên nhân do đâu?

Một tác giả tố Nhà xuất bản Giáo Dục vi phạm bản quyền

Tác giả Hồ Huy Sơn đã từng lên tiếng tố NXB Giáo Dục VN sử dụng hai bài viết của anh là Con đường rơm và Hãy can đảm lên trong hai cuốn sách Luyện tập tiếng Việt 3 và 35 đề ôn luyện tiếng Việt 3 mà chưa xin phép.

 Dưới hai bài viết đều đề tên tác giả Hồ Huy Sơn, nhưng anh cho rằng “trên thực tế, các tác giả biên soạn sách không hề xin phép cũng như thỏa thuận với tác giả bài viết mà tự ý đưa vào sách”.

 

Sau khi sự việc được phản ánh, đại diện NXB Giáo Dục đã có thư trả lời tác giả Hồ Huy Sơn, trong đó chỉ cung cấp thêm phương thức tính nhuận bút cho các sách tham khảo của NXB Giáo Dục VN. Vì thế, tác giả đã tiếp tục yêu cầu NXB Giáo Dục gỡ bỏ hai bài viết Con đường rơm và Hãy can đảm lên khỏi hai cuốn sách và phải xin lỗi tác giả bài viết. 

Điều gây tranh cãi là Phó tổng biên tập của NXB Giáo Dục nói rằng trong hợp đồng với các tác giả biên soạn hai cuốn sách trên thì tác giả biên soạn chịu trách nhiệm hoàn toàn trong trường hợp nội dung xuất bản phẩm xâm hại đến quyền tác giả của người khác hoặc gây tổn hại đến uy tín của bên thứ ba.

Vì vậy, trách nhiệm xin phép sử dụng ngữ liệu cũng như chi trả tiền bản quyền thuộc về các tác giả biên soạn hai cuốn sách nêu trên.

Tác giả Hồ Huy Sơn cho biết anh rất thất vọng với cách giải quyết sự việc của NXB Giáo Dục vì NXB đã “đá quả bóng trách nhiệm” sang cho nhóm tác giả biên soạn.

Hành vi vi phạm bản quyền của Nhà xuất bản Thanh Niên

Vào năm 2018, nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách đã phát hiện cuốn sách “Công dung ngôn hạnh phụ nữ Việt Nam xưa và nay” do tác giả PGS.TS. Lê Thị Bừng chủ biên, Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành, sử dụng một bức ảnh do chính anh sở hữu để làm trang bìa mà không có sự cho phép.

Như nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách chia sẻ thì bức ảnh này được chụp giữa năm 2017 và người mẫu ảnh của anh tên Thu Hiền. Anh từng cho phép một tờ báo đăng tải bộ ảnh.

 

Điều khiến nhiếp ảnh gia này bức xúc hơn cả đó chính là cuốn sách “Công dung ngôn hạnh phụ nữ Việt Nam xưa và nay” tuy được cấp giấy phép từ một nhà xuất bản nổi tiếng, tác giả của cuốn sách là phó giáo sư, tiến sĩ nhưng vẫn xảy ra việc xâm phạm bản quyền, không xin phép tác giả khi sử dụng bức ảnh làm bìa sách.

Trong khi đó, chính người mẫu Thu Hiền trong bức ảnh cũng tỏ ra kinh ngạc khi hình ảnh của mình bỗng dưng xuất hiện trên một bìa sách. Theo Thu Hiền, cô đã giao toàn bộ quyền sở hữu và quản lý bức ảnh cho nhiếp ảnh gia.

Mai Anh