Thu giữ nhiều sản phẩm hàng hiệu có dấu hiệu giả mạo tại chợ Bến Thành và Sài Gòn Square

(SHTT) - Mới đây, theo chỉ đạo trực tiếp của Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, Cục Quản lý Thị trường và Nghiệp vụ Quản lý Thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất chợ Bến Thành và Saigon Square tại quận 1 và phát hiện nhiều cửa hàng bán sản phẩm có dấu hiệu giả mạo.

Bày bán rất nhiều mặt hàng thời trang giá rẻ, chợ Bến Thành và Sài Gòn Square là thủ phủ của rất nhiều loại hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng. Các loại hàng này đa phần là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gia công được gắn tem mác “hàng hiệu”.

Sáng 12/3, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý Thị trường và Nghiệp vụ Quản lý Thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất chợ Bến Thành và Saigon Square tại quận 1. Tại đây, không khó để có thể sở hữu những món đồ “hàng hiệu” với giá cực rẻ. Các sản phẩm mang nhãn mác thương hiệu nổi tiếng được bày bán công khai và bắt mắt.

Sài Gòn Square là nơi bày bán công khai các sản phẩm hàng giả, hàng nhái 

Lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất 20 quầy hàng tại 2 địa điểm này, tạm giữ 1.500 sản phẩm đồng hồ, túi xách, giày… có dấu hiệu giả mạo nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng như Calvin Klein, Prada, Montblanc, Adidas, Gucci, Cartier, Rolex... Tổng giá trị số hàng thu giữ lên đến gần 150 triệu đồng.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Quản lý thị trường nhận định đây là những nơi có số lượng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lớn nhất TP.HCM. Quản lý Thị trường TP.HCM đã nhiều lần kiểm tra và xử lý nhưng vì lợi nhuận cao nên các tiểu thương vẫn bất chấp để kinh doanh. "Mặc dù đã liên tục kiểm tra, thu giữ và xử phạt, tình trạng hàng giả, hàng nhái tại 2 trung tâm này vẫn tái diễn. Do đó, tranh thủ thời điểm dịch bệnh, lượng khách sụt giảm, chúng tôi quyết định kiểm tra đột xuất", ông Linh chia sẻ.

Quản lý thị trường tịch thu và xử phạt các tiểu thương vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ 

Theo ông Linh, để dẹp bỏ thực trạng này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương. Định hướng trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tập trung vào các điểm nóng kinh doanh các mặt hàng này.

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân hiện nay. Các sản phẩm giả, nhái vẫn tồn tại bởi nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng này vẫn rất mạnh mẽ. Với đặc tính giá rẻ, dễ mua, người tiêu dùng hiện nay vẫn lựa chọn loại hàng giả, hàng nhái này để sử dụng. Điều này gây ảnh hưởng đến các thương hiệu cũng như thị trường hàng hóa, đặc biệt là thị trường các sản phẩm thời trang.

Ngọc Hương