Bộ Công Thương 'bắt tay' Bộ Khoa học công nghệ tìm giải pháp chống hàng giả

(SHTT) - Vào sáng ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ “lên phương án” phối hợp để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống gian lận thương mại.

Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp, mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đồng chủ trì cuộc họp thống nhất cách thức làm việc, chia sẻ thông tin cũng như công tác phối hợp để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống gian lận thương mại.

Thông tin về thực trạng này, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) nhấn mạnh, hiện nay, hàng giả, hàng nhái đã trở thành vấn nạn, đang diễn ra ngày càng tinh vi ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

 Bộ Công Thương 'bắt tay' Bộ Khoa học công nghệ tìm giải pháp chống hàng giả

Không chỉ ở các thành phố, vùng đồng bằng, nạn hàng giả hàng nhái, gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lan đến tận những vùng sâu, vùng xa của cả nước, ông Linh thông tin.

Nhận thức rõ tình hình, Tổng cục QLTT xác định năm 2020 là năm lực lượng QLTT sẽ tập trung vào công tác đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và coi đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Theo đó, Tổng cục QLTT vừa ký Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020. Trong đó, hàng trăm tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng nhái tại 20 tỉnh, thành phố sẽ được Tổng cục QLTT triển khai kiểm tra đến hết tháng 12/2020.

Trong kế hoạch này, các mặt hàng sẽ nằm trong diện đấu tranh, kiểm tra, xử lý là mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Quyết tâm thực hiện chiến dịch này, Tổng cục QLTT cũng đặt ra mục tiêu cụ thể:

Đến hết tháng 03 năm 2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm;  100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm... tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn. 

Đến hết tháng 6 năm 2020: 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;  70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.

Đến hết tháng 12 năm 2020: 90% đến 100%số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm. 

Đây không phải lần đầu tiên, Tư lệnh hai ngành ngồi với nhau để bàn về vấn đề này. 

Trước đó, hai đơn vị đã có những cam kết mạnh mẽ thông qua bản Ký kết Chương trình phối hợp hoạt động Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2017-2020 được ký vào đầu năm 2017.

Thông qua chương trình hợp tác, hai Bộ đã tăng cường phối hợp trong việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và lĩnh vực công thương để đảm bảo lồng ghép hiệu quả, khả thi các chính sách phát triển ngành Công Thương với chính sách khoa học và công nghệ, trong đó tập trung xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm.

Hạ Vân