Cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đối tượng mới

(SHTT) - Ông Lê Ngọc Lâm Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu trí tuệ mới được tạo ra từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngày 10/10, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản tổ chức hội thảo bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong cuộc cách mạng 4.0.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống sở hữu trí tuệ là phải được xây dựng và vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ. Từ đó, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đây là lần thứ 8 (kể từ năm 2005) hai cơ quan này hợp tác tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy, hoàn thiện hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

 

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống sở hữu trí tuệ là phải được xây dựng và vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, từ đó, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Để làm được như vậy, ông Lê Ngọc Lâm cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu trí tuệ mới được tạo ra từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chẳng hạn như bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, in 3D, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới...; hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trên môi trường Internet.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra vấn đề phải nâng cao năng lực của cơ quan sở hữu trí tuệ trong việc xử lý đơn đăng ký các đối tượng mới; áp dụng chính xác công nghệ mới trong việc vận hành cơ quan sở hữu trí tuệ, đặc biệt là công nghệ blockchain, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; đồng thời, phải thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở quy mô khu vực và toàn cầu, vì nhiều vấn đề sở hữu trí tuệ đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được.

Với kinh nghiệm ở nước sở tại, ông Manabu Niki, Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế, Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) cho biết để ứng phó với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cơ quan này đã áp dụng chính thành tựu của cuộc cách mạng này trong việc hoàn thiện hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh mới.

Minh Châu