75 sản phẩm Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước

(SHTT) - Tính đến đầu tháng 1/2019, Việt Nam đã bảo hộ 69 chỉ dẫn địa lý (CDĐL) quốc gia và 6 CDĐL của nước ngoài. Việc bảo hộ CDĐL đã giúp nhiều sản phẩm nâng cao giá trị.

Chỉ dẫn địa lý là tài sản quốc gia, có vai trò và tầm quan trọng do chỉ dẫn địa lý gắn với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, đặc trưng về chất lượng và danh tiếng của sản phẩm.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Công tác thông tin và truyền thông sở hữu trí tuệ”, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Tính đến 31/12/2018, Việt Nam đã bảo hộ 69 CDĐL quốc gia và 6 CDĐL của nước ngoài. Đến nay đã có 34 tỉnh/thành phố đã có CDĐL được bảo hộ, 11 tỉnh/thành phố có từ 2 CDĐL trở lên, đó là: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam.

 

Về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ CDĐL, ông Phí cũng cho biết: Có 47% sản phẩm là trái cây, 23% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% là thủy sản, 8% là gạo, còn lại là các sản phẩm khác. Có 05 sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ là: nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử. Như vậy, đa phần các sản phẩm được bảo hộ CDĐL của Việt Nam là các sản phẩm tươi sống và nguyên liệu như: hạt cà phê, quế vỏ, hoa hồi... 

Trong hơn 10 năm qua, số CDĐL quốc gia được bảo hộ đã tăng 3,5 lần. Đến nay đã có 34 tỉnh/TP có CDĐL được bảo hộ như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam... Giá bán các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng từ 20 -100%.

 “Trong năm 2019 Cục Sở hữu trí tuệ dự kiến đăng ký 10 CDĐL cho các đặc sản địa phương” - Ông Phí cho biết thêm.

Trao đổi với PV của TTXVN, ông Đinh Hữu Phí cũng từng chia sẻ về hiệu quả mà chỉ dẫn địa lý mang lại: "Chỉ dẫn địa lý đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần mang lại giá trị gia tăng cho hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu, đồng thời góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Việc cấp chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh khác nhau, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp sản xuất nông sản tuân theo quy trình chặt chẽ và đảm bảo chất lượng khi truy xuất nguồn gốc và nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn sự đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại.

Bên cạnh đó, tạo cho người nông dân thói quen, tác phong, nếp nghĩ sản xuất theo quy trình khoa học, gắn liền với phát triển du lịch vùng miền, nâng cao đời sống cho người dân.

Điển hình, đối với cam Cao Phong, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, giá sản phẩm đã tăng gấp 2-3 lần so với khi chưa cấp chỉ dẫn địa lý.

Việc xây dựng, phát triển và quản lý chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Chỉ dẫn địa lý cũng góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực liên tỉnh, liên vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước".

Minh Vân (T/h)