Vi phạm bản quyền: Livestream phim, kịch bị xử lý thế nào?

(SHTT) - Do chưa nhận thức được rõ về vấn đề bản quyền, nhiều khán giả vẫn vô tư livestream phim, kịch khiến các nhà sản xuất bị thiệt hại nặng nề. Vậy việc làm vi phạm bản quyền này bị xử lý thế nào?

Công nghệ phát triển, việc vi phạm bản quyền ngày càng diễn ra nhiều hơn. Đây không chỉ là câu chuyện ý thức của những khán giả mà còn là vấn nạn khiến nhiều nhà sản xuất, nghệ sĩ đau đầu lo lắng.

Tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô đã nhiều lần xảy ra tình trạng này. Thậm chí nhiều nghệ sĩ, ban tổ chức đã tỏ thái độ bức xúc nhưng một bộ phận khán giả vẫn vô tư ghi hình. 

Trong một buổi biểu diễn bán vé, nghệ sĩ Xuân Bắc đã tỏ thái độ bức xúc khi một số khán giả vẫn livestream (phát trực tiếp), quay hình chương trình, dù đã được ban tổ chức thông báo và nhắc nhở. Đứng trên sân khấu, anh thẳng thắn lên tiếng nhắc nhở: “Nếu ai còn tiếp tục ghi hình, chúng tôi sẽ mời người đó ra khỏi khán phòng”.

 

Sự việc này đã khiến nhiều người bức xúc về sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ khán giả hiện nay. Thực tế, việc khán giả livestream trong những chương trình nghệ thuật bán vé hay phim ảnh không phải điều mới, nhất là trong lĩnh vực phim điện ảnh.

Đặc biệt nhiều bộ phim mới ra rạp đã bị ghi hình lại và phát tán. Tiêu biểu như bộ phim Chạy đi rồi tính, Gái già lắm chiêu, Vòng eo 56, Yêu, Tấm Cám - Chuyện chưa kể. Việc khán giả quay lén và phát tán trên mạng những bộ phim này đã khiến nhiều nhà sản xuất bị thiệt hại lớn.

Theo điều 27, Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định, hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt từ 15 - 35 triệu đồng. Nếu quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị xử lý theo điều 170a, Bộ luật Hình sự. Theo đó, ngoài số tiền phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỷ đồng, người phạm tội có thể bị phạt tù 3 năm.

Mặc dù vậy thì hiện tại vẫn có rất nhiều tình trạng khán giả xem phim, kịch và thoải mái livestream.

Tại Hội thảo về bản quyền phim điện ảnh và truyền hình ở Việt Nam, các nhà chuyên môn đã đánh giá rằng có tới 30 - 40% các bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu và làm ảnh hưởng nặng tới doanh thu phòng vé bởi nhiều khán giả đã được xem bản lậu bên ngoài nên không còn nhiều hào hứng tới rạp xem phim.

Mặc dù hiện tại đã ra nhiều luật, tổ chức bảo vệ bản quyền tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ quyền nghệ sĩ nhưng vấn nạn vi phạm bản quyền vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí ngày càng phức tạp.

Nói về điều này, Giám đốc hãng luật SBLAW, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trả lời trên Báo giao thông rằng những người livestream các chương trình cấm ghi hình có thể không ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Không chỉ vậy, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ với những trường hợp này cũng khó vì là cá nhân vi phạm. Nếu hành vi này được thực hiện có tổ chức thì sẽ xử lý dễ dàng hơn. Cũng chính vì điều này, ít tổ chức đứng ra khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại vì mất nhiều thời gian.

Vì vậy khán giả cần nâng cao ý thức chấp hành luật pháp, các nhà sản xuất nên tận dụng công nghệ cao để bảo vệ tác phẩm của mình như sử dụng thiết bị phá sóng điện thoại.

Minh Thu(th)