Bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp nâng cao giá trị kinh tế Bưởi da xanh Bến Tre

(SHTT) - Từ khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bưởi da xanh Bến Tre ngày càng được giá và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đây là cơ hội giúp người dân địa phương nâng cao kinh tế.

Theo thông tin từ Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 297/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Da xanh của tỉnh Bến Tre.

Khu vực địa lý là các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại và thành phố Bến Tre. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Chia sẻ trên báo Công Thương, ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc HTX Nông nghiệp bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cho biết sau khi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý thì quan trọng nhất là giữ và nâng cao chất lượng bưởi. Hiện HTX sản xuất bưởi rất hạn chế dùng phân bón hóa học, nguồn kali giúp bưởi chín có ruột hồng cũng từ nguồn phù sa tự nhiên. Bưởi là loại cây lâu năm nên trước tiên, HTX sẽ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sau đó mới chuyển dần theo hướng hữu cơ. Hiện bưởi da xanh từ Bến Tre có giá cao hơn bưởi từ các tỉnh miền Đông từ 10.000 đồng/kg.

Bưởi da xanh là một trong những cây trồng làm giàu cho nông dân vì năng suất, giá cao, ổn định, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, bình quân cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, bưởi da xanh Bến Tre khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước bởi chất lượng đảm bảo và được người tiêu dùng tín nhiệm.

 Bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp giá trị kinh tế Bưởi da xanh Bến Tre tăng cao. Ảnh: Công Thương

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), cho hay việc công bố chỉ dẫn địa lý cho bưởi da xanh của Bến Tre sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cũng sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu, dễ dàng tiếp cận những thị trường khó tính, nhất là thị trường EU, Mỹ, Nhật. Việc được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý được xem là một cơ hội lớn cho và nâng cao uy tín của trái cây Bến Tre.

Trả lời báo Pháp luật TPHCM, ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, cho biết sau khi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều việc quan trọng tiếp theo, trong đó có đẩy mạnh thanh lọc, chọn và nhân giống để bảo tồn và nâng chất lượng của trái bưởi da xanh.

Đồng thời xây dựng vườn mẫu, vườn hữu cơ, liên kết sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua hệ thống các công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao chuỗi giá trị, quản lý chặt chẽ nhãn hiệu, xây dựng mã vạch để truy xuất nguồn gốc tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền để người dân, người sản xuất, kinh doanh nhận thức được rằng chỉ dẫn địa lý là tài sản chung của tỉnh, của quốc gia nên mỗi cá nhân, tổ chức phải tự ý thức trong giữ gìn và phát triển.

Đồng thời tỉnh cũng sẽ nghiên cứu triển khai đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tạo tiền đề để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.

Hải Linh (t/h)