Tài sản trí tuệ đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tài sản của doanh nghiệp

(SHTT) - Chiều ngày 20/7/2018, tại hội trường 512 Nhà điều hành Đại học Quốc gia TP.HCM (Phường Linh Trung, Thủ Đức) đã diễn ra hội thảo “Bảo vệ và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức”.

Tài sản trí tuệ đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tài sản của doanh nghiệp. Khai thác tối ưu tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp tăng cường uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tại những nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật, …, vấn đề SHTT rất được các doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này.

Hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản trí tuệ trong các tổ chức, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ đã phối hợp cùng Đại học Quốc gia TP. HCM và Trung tâm Quốc gia về đào tạo và Thông tin sở hữu công nghiệp Nhật Bản tổ chức hội thảo “Bảo vệ và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức”.

Hội thảo diễn ra vào chiều ngày 20/7

Tham dự Hội thảo có TS. Tạ Quang Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Ông Norihisa Kato - Đại diện Japan External Trade Organization, ông Nguyễn Hữu Cẩn -  Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ; Bà Takako Okada – Đại diện sở hữu trí tuệ, Cộng sự và đại diện các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, các Viện, Trường Đại học, các doanh nghiệp,…

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Tạ Quang Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu khái quát việc hợp tác giữa Trung tâm Quốc gia về đào tạo và Thông tin sở hữu công nghiệp Nhật Bản với Viện trong phát triển các dự án về phát triển cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. TS. Tạ Quang Minh cũng chân thành cám ơn sự hỗ trợ của các tổ chúc sở hữu trí tuệ Nhật Bản đã giúp đỡ Viện trong thòi gian vừa qua.

Trình bày tại Hội thảo, Nguyễn Hữu Cẩn -  Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ khẳng định, SHTT ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả ngày càng có tỷ phần cao hơn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần ý thức được sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở cả trong nước và nước ngoài.

Buổi hội thảo diễn ra với hai chủ đề: Bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ. 

Bà Takako Okada trình bày tham luận.

Cụ thể, các đại biểu đã được lắng nghe chia sẻ của các diễn giả về việc bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Nhật Bản; Chi phí kinh tế do hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đối với một số ngành công nghiệp ở Việt Nam; Vấn đề ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, bảo vệ các kết quả nghiên cứu KH&CN và thương mại hóa tài sản trí tuệ; Vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ từ kinh nghiệm của công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên; Hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp Nhật Bản và hoạt động vả VIPRI hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ.

 Diễn giả trả lời thắc mắc của các đại biểu

Buổi hội thảo đã đưa ra góc nhìn đa chiều về vấn đề bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ. Có thể thấy, đây là vấn đề phức tạo, đòi hỏi các tổ chức Việt Nam phải thực sự lưu tâm để tránh rủi ro và tổn thất, lãng phí về nguồn lực.

Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ và Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đã trao giấy chứng nhận cho các quản trị viên tài sản trí tuệ.

Các quản trị viên tài sản trí tuệ nhận giấy chứng nhận
 Các đại biểu tham gia hội thảo

Kim Dung