Đào tạo nhân lực Sở hữu trí tuệ trình độ cao: Chìa khóa cho sự phát triển của đất nước

(SHTT) - Nhận thấy vai trò quan trọng của việc đào tạo nhân lực Sở hữu trí tuệ trình độ cao trong sự phát triển kinh tế, xã hội vì vậy mới đây trường Đại học KHXH&NV đã đề xuất mô hình đào tạo chuyên ngành Quản lý SHTT bậc thạc sĩ.

Vào chiều ngày 13/3, Hội thảo "Nhu cầu xã hội về đào tạo chuyên ngành Quản lý Sở hữu trí tuệ bậc thạc sĩ và đề xuất những mô hình tham khảo" đã được diễn ra tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội thảo có sự góp mặt của đông đảo các thầy cô, sinh viên trong trường và đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Mở đầu hội thảo, Trưởng Khoa Khoa học Quản lý của trường Đại học KHXH&NV, thầy Đào Thanh Trường đã đánh giá cao vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ.

 

Theo đó, vai trò của tài sản trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện qua việc tỷ trọng của nó ngày càng tăng so với tài sản hữu hình như tài nguyên thiên nhiên, đất đai, điều kiện địa lý thuận lợi,... Tài sản trí tuệ được hình thành thông qua quá trình hoạt động trí tuệ của con người. Quyền sở hữu trí tuệ đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững.

Thầy Trường cũng khẳng định chứng chỉ về quyền sở hữu trí tuệ là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nhân tiến vào thị trường và việc sở hữu khối tài sản trí tuệ lớn là yếu tố để đảm bảo sự thành công của mỗi quốc gia khi tham gia thị trường thế giới.

 Trưởng Khoa Khoa học Quản lý của trường Đại học KHXH&NV, thầy Đào Thanh Trường 

Để bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã tham gia Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và trở thành thành viên của Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã ban hành một hệ thống pháp luật về SHTT được tổ chức SHTT thế giới đánh giá là tương đối hoàn chỉnh, hệ thống pháp luật về SHTT đã bảo hộ tài sản trí tuệ, góp phần đưa Việt Nam tiến sâu vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Tuy nhiên Trưởng Khoa Khoa học Quản lý của trường Đại học KHXH&NV cũng chỉ ra lực cản đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chính là tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn tồn tại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là việc nghiên cứu và đào tạo về SHTT chưa được ưu tiên. Vì vậy việc đào tạo nhân lực có trình độ cao về SHTT là việc làm cấp bách.

Hiện nay, nhiều trường đại học trên thế giới đã tiến hành đào tạo Thạc sĩ Luật SHTT và Thạc sĩ Quản lý SHTT đồng thời mang lại hiệu quả cao về KH&CN. 

Như vậy có thể thấy nhu cầu về đào tạo nhân lực SHTT tại Việt Nam là cần thiết, nhất là đối với đào tạo nhân lực SHTT trình độ cao, trước hết là đào tạo thạc sĩ về SHTT đang được thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đặt ra.

Hương Mi