Sao chép chương trình máy tính thế nào là hợp lý?

Câu hỏi: Do nhu cầu công việc phải sử dụng một phần mềm máy tính đang được bảo hộ, nên tôi đã thỏa thuận về việc sao chép chương trình máy tính này với tác giả. Tuy nhiên, nếu bản sao chương trình máy tính dễ bị lỗi và không sử dụng được thì liệu tôi có được sao chép nhiều hơn một bản không?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền sao chép là quyền quan trọng nhất trong nhóm quyền tài sản đối với việc bảo hộ một chương trình máy tính. Do đó, chủ thể khác khi muốn sao chép chương trình máy tính phải xin phép và trả các quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.

 Sao chép chương trình máy tính thế nào là hợp lý?

Đối với việc sao chép chương trình máy tính, cụ thể tại Điểm 3.3 Nghị định số 85/2011/ NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan quy định như sau:

“Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính có thể làm không quá một bản sao dự phòng, để thay thế khi bản sao đó bị mất, bị hư hỏng hoặc không thể sử dụng được.”

Như vậy, khi tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính  có thể làm không quá một bản sao dự phòng, để thay thế khi bản sao đó bị mất, bị hư hỏng hoặc không thể sử dụng được. Nghĩa là, trong trường hợp của bạn, ngoài một bản sao để sử dụng thì bạn có thể sao chép thêm một bản để dự phòng  khi bản sao sử dụng bị mất, bị hư hỏng hoặc không thể sử dụng tiếp.

Căn cứ pháp lý:

Điểm 3 Nghị định số 85/2011/ NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.

Theo netlaw