Những lợi ích và rủi ro xoay quanh việc miễn bản quyền vắc xin Covid-19

(SHTT) - Sự xuất hiện của các biến thể mới đầy nguy hiểm đang nhấn chìm nhiều quốc gia trong "cơn sóng thần" COVID-19. Kéo theo đó là những tranh cãi xoay quanh việc miễn bản quyền vắc xin Covid-19. Hãy cùng nhìn lại những lợi ích và rủi ro có thể xảy ra nếu bỏ rào cản sáng chế này.

Vào thời điểm hiện nay, tiêm chủng vaccine nhanh chóng được xem là giải pháp quan trọng nhất để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Lần đầu tiên trong lịch sử, hàng loạt quốc gia từ Mỹ, Anh, Canada, Nga... cùng lên tiếng ủng hộ việc miễn "bản quyền vaccine" để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine COVID-19 mà không cần lo lắng về bằng sáng chế.

Những người ủng hộ đưa ra ba lý do giải thích: Từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19 sẽ có lợi cho toàn thế giới; Vắc xin sẽ được sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ hơn; Vắc xin được đầu tư và phát triển bằng tiền thuế của dân bơm cho các nghiên cứu nhà nước, đặc biệt là vắc xin sử dụng công nghệ ARN thông tin.

 Những lợi ích và rủi ro xoay quanh việc miễn bản quyền vắc xin Covid-19

Để giải thích vì sao ủng hộ từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hồi đầu tháng 3/2021 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus giải thích: "Các quy định thương mại đã dự kiến tính linh hoạt trong các tình huống khẩn cấp. Chắc chắn một trong số tình huống đó là đại dịch toàn cầu đã khiến nhiều công ty phải ngừng hoạt động và gây biết bao thiệt hại cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ".

Trong khi đó, nhiều nước lại đang phản đối việc miễn bản quyền vắc xin covid-19. Bởi các hãng dược phát triển vắc xin COVID-19 đương nhiên có quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin của họ. Khi miễn bản quyền vắc xin sẽ đồng nghĩa với việc họ mất đi nguồn lợi tài chính bù đắp cho hoạt động nghiên cứu và cải tiến vô cùng tốn kém. Các công ty dược khác không mất công sức nghiên cứu vẫn có thể tự do bào chế vắc-xin mà không bị rào cản pháp lý nào, làm mất đi động lực đầu tư sản xuất vắc-xin.

Nhiều hãng dược lập lập luận, các nước nghèo không thể đủ năng lực, không được trang bị phù hợp thì kể cả được miễn bằng sáng chế cũng không thể sản xuất nổi vắc-xin. Bên cạnh đó, cuộc chạy đua đại trà giành nguồn cung nguyên phụ liệu sẽ càng khiến cho quá trình sản xuất gặp khó khăn, thậm chí có thể gây ra vấn nạn vắc-xin giả.     

Một số doanh nghiệp và quan chức còn lo ngại đến khả năng các quốc gia này đe dọa lợi thế cạnh tranh của nhau trong lĩnh vực y sinh.

Đức – nước nền kinh tế lớn nhất EU và có hãng vắc-xin BioNTech - tuyên bố bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ "là nguồn gốc của đổi mới và phải tiếp tục duy trì trong tương lai". Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel giải thích, yếu tố hạn chế đối với việc sản xuất vắc-xin là năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao, chứ không phải bằng sáng chế.   

"Việc xóa bỏ bản quyền sẽ khiến hàng trăm hãng dược tin rằng, nếu có một đại dịch khác bùng nổ thì bản quyền sở hữu trí tuệ của họ cũng sẽ không được bảo vệ. Đó là điều rất đáng lo ngại", Tổng giám đốc Liên đoàn quốc tế Các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (IFMPA) Thomass Cueni kết luận.  

Minh Anh