Gucci và Facebook ‘bắt tay’ chống nạn buôn bán hàng giả trên mạng xã hội

(SHTT) - Hôm 27/4, Gucci và Facebook đã cùng đệ đơn kiện tại bang California, cáo buộc một cá nhân sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội của Facebook để bán các sản phẩm Gucci giả mạo.

Đây là lần đầu tiên Gucci và Facebook phối hợp, đồng thời là lần mới nhất một gã khổng lồ Internet hợp tác với một nhãn hàng xa xỉ nhằm chống lại tình trạng hàng giả, hàng nhái “tung hoành” trên MXH.

Trong tuyên bố chung, “gà đẻ trứng vàng” của Kering và Facebook cáo buộc một đối tượng được giấu tên vì đã sử dụng nhiều tài khoản trên Facebook và Instagram để quảng cáo hoạt động buôn bán hàng giả qua mạng Internet trên quy mô quốc tế.

Gucci là một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới với các mặt hàng quần áo, túi xách, phụ kiện, đồ trang điểm, nước hoa và sản phẩm bằng da cao cấp, thuộc tập đoàn hàng xa xỉ Pháp Kering.

Được biết, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, việc buôn bán hàng giả, hàng nhái đặc biệt là những sản phẩm của các nhãn hàng nổi tiếng đang diễn ra tràn lan và gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất.

Theo thống kê từ Facebook, chỉ trong nửa đầu năm 2020, 2 nền tảng MXH bao gồm Facebook và Instagram đã xóa hơn 1 triệu bài đăng dựa trên hàng nghìn báo cáo về nội dung giả mạo từ các thương hiệu, trong đó có Gucci.

Bên cạnh đó, chỉ riêng trong năm 2020, bộ phận pháp lý của Gucci đã gỡ bỏ khoảng 4 triệu danh sách sản phẩm giả của thương hiệu này trên nền tảng trực tuyến. Thêm vào đó, 4,1 triệu sản phẩm giả nhãn hiệu Gucci cũng bị thu giữ thu giữ và 45.000 trang web, bao gồm cả các tài khoản mạng xã hội, cũng đã bị vô hiệu hóa do liên quan tới các vi phạm về việc bán hàng giả mạo nhãn hiệu Gucci.

Doanh số bán hàng trực tuyến các loại bán túi xách, giày và hàng may mặc sang trọng đã bùng nổ trong năm qua sau khi đại dịch COVID-19 buộc các nhà bán lẻ phải tạm ngừng kinh doanh.

Đứng trước cơ hội mang đến lợi nhuận lớn, các tập đoàn như Facebook đang có tham vọng lấn sâu hơn vào thị trường các mặt hàng xa xỉ và thương mại điện tử.

Tuy nhiên, để làm được như vậy họ cần phải chứng minh rằng nền tảng của mình không phải là công cụ tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, đồng thời là môi trường an toàn cho các thương hiệu cao cấp này. Đặc biệt là khi có một vài nhãn hàng không muốn bán sản phẩm của họ thông qua bên thứ ba.

Ở một diễn biến liên quan, trong năm 2020, Amazon cũng đã đệ đơn kiện tương tự cùng với Valentino và Ferragamo.

Ngọc Đỗ