Khuyến cáo: Hàng loạt TPBVSK quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng cần thận trọng

(SHTT) - Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm liên tục đưa ra những cảnh báo về việc nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) đang được quảng cáo sai sự thật. Vì vậy người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng.

Mới đây nhất, Cục An toàn thực phẩm nhận được phản ánh về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đế Linh Đan đang được quảng cáo trên các website: https://www.delinhdan.com, https://sanphamvang.baomoi24h.world vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo sản phẩm dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm; Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

 Khuyến cáo: Hàng loạt TPBVSK quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng cần thận trọng

Cục An toàn thực phẩm đã xác minh đối với công ty công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đế Linh Đan (Công ty TNHH Dược phẩm Gia Phạm) và công ty phân phối sản phẩm (Công ty TNHH DPMP 688). Theo đó, Công ty TNHH Dược phẩm Gia Phạm và Công ty TNHH DPMP 688 đều khẳng định không thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Đế Linh Đan vi phạm trên các website: www.delinhdan.com, www.sanphamvang.baomoi24h.world.

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đế Linh Đan quảng cáo vi phạm trên các website nêu trên. Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xác minh, xử lý và công khai kết quả xử lý theo quy định.

Có thể thấy, các hình thức vi phạm phổ biến nhất hiện nay là sử dụng hình ảnh, các bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh, là trái quy định pháp luật. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, gần như lừa dối người tiêu dùng về công dụng của các TPCN/TPBVSK...

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận tới người tiêu dùng. Thời gian qua Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp: ngoài xử lý theo quy định của nhà nước, Bộ còn công khai vi phạm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm, trên trang của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.

Vì vậy Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), được quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...

Thái Trinh