Điểm danh 5 bài hát đứng đầu Billboard Hot 100 bị tố đạo nhạc

(SHTT) - Một số bài hát nổi tiếng đạt được nhiều thành công nhưng vẫn vướng phải tin đồn đạo nhái. Dưới đây là 5 cái tên được chú ý hàng đầu khi đạt top 1 Billboard Hot 100 nhưng bị nghi ngờ là sản phẩm âm nhạc vi phạm bản quyền.

Đạo nhạc ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại trong lĩnh vực nghệ thuật. Hành vi "ăn trộm tài sản trí tuệ" sản phẩm âm nhạc này còn gây bức xúc hơn khi những bài hát nổi tiếng đạt top 1 Billboard Hot 100 cũng rơi vào bê bối kiện tụng đạo nhái.

Robin Thicke: "Blurred Lines"

"Blurred Lines" là bài hát gây bão mùa hè năm 2013 khi đứng đầu Hot 100 trong 12 tuần liên tiếp. Bài hát có giai điệu bắt tai này được cho là khá giống với ca khúc đình đám "Got to Give It Up" năm 1977 của Marvin Gaye. Sau nhiều lần kiện tụng, phán quyết của tòa án Los Angeles khẳng định hai ngôi sao ca nhạc Pharrell Williams và Robin Thicke đã ăn cắp tác phẩm của nhạc sĩ Marvin Gaye và phải chịu phạt tiền 7,3 triệu USD.

Cảnh cắt trong MV "Blurred Lines" 

Coldplay: "Viva la Vida"

Nhóm nhạc rock Coldplay đạt vị trí quán quân đầu tiên trên Billboard Hot 100 vào năm 2008 với ca khúc sôi động "Viva la Vida". Ngay sau đó nghệ sĩ guitar Joe Satriani đã lên tiếng tuyên bố rằng nhóm nhạc này sao chép các phần của ca khúc "If I Could Fly" năm 2004 của anh. Các thành viên của nhóm Coldplay tìm mọi cách để bác bỏ những cáo buộc trên dẫn đến câu chuyện kiện tụng không hồi kết.

Ca khúc "Viva la Vida" vướng phải những vụ kiện đạo nhạc không hồi kết 

Vanilla Ice: "Ice Ice Baby"

"Ice Ice Baby" là ca khúc đưa dòng nhạc bass lên vị trí số 1 trên Hot 100 vào năm 1990, mang đến cho nền âm nhạc hip-hop bản hit đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard danh giá. Nhưng chính khán giả nghe nhạc đã chỉ ra các điểm tương đồng trong ca khúc của Vanilla Ice và bài hát Under Pressure" của David Bowie và Queen. Ban đầu, tác giả của "Ice Ice Baby" phủ nhận tin đồn đạo nhạc nhưng sau đó anh đã giải quyết êm đẹp bằng việc trả tiền bản quyền để tránh những cuộc chiến rắc rối tại tòa án.

Ca sĩ Vanilla Ice phủ nhận tin đồn đạo nhạc nhưng lại giải quyết bằng thỏa thuận 

Ray Parker Jr: "Ghostbusters"

Năm 1984, ca sĩ Ray Parker Jr đạt vị trí hàng đầu Billboard Hot 100 với ca khúc nhạc phim đồng tên "Ghostbusters". Bài hát của anh không những đạt được được Top 1 Billboard mà còn nhận được một đơn kiện tố vi phạm bản quyền từ phía Huey Lewis. Lewis là tác giả của ca khúc "I Want a New Drug"- bài hát có giai điệu khá giống với "Ghostbusters" nhưng đã được ra đời trước đó. Cuối cùng, hai bên đã tự thỏa thuận và giải quyết ổn thỏa mà không cần đến sự can thiệp của tòa án.

 Poster quảng cáo của ca khúc "Ghostbusters"

Bee Gees: "How Deep Is Your Love"

“How Deep Is Your Love” là 1 trong số 5 bài hát gây bão mà Bee Gees sản xuất cho bộ phim “The Saturday Night Fever”. Gần sáu năm sau khi "How Deep Is Your Love" đứng đầu Hot 100 vào cuối năm 1977, một nhạc sĩ tên là Ronald Selle cáo buộc rằng bản hit này là sản phẩm sao chép của "Let It End" năm 1975 của ông. Phiên tòa cuối cùng diễn ra khi hai bên tranh cãi gay gắt và Bee Gees vẫn tự tin rằng mình đã tự mình sáng tác “How Deep Is Your Love” tại Pháp. Sau 5 tiếng bàn bạc, tòa án đưa ra phán quyết nghiêng phần thắng về Ronald Selle khiến Bee Gees chỉ có thể thốt lên: “Dối trá”!

Bài hát "How Deep Is Your Love" nổi tiếng liệu có phải là một sản phẩm đạo nhái? 

Trên thực tế việc xác định như thế nào là đạo nhạc là vô cùng khó khi nhiều nghệ sĩ cho rằng, chỉ cần giống 6 nốt nhạc thì đã bị coi là sản phẩm sao chép. Các vụ kiện tụng đạo nhạc lại phụ thuộc rất nhiều vào việc tòa án nơi họ khởi tố có kiến thức và nhận định ra sao về đạo nhạc, những bằng chứng mà bên nguyên đưa ra cũng như bên bị kháng cáo. Các vụ bê bối đạo nhạc gây bức xúc nhưng cần được xử lý đúng đắn để môi trường âm nhạc trở nên văn minh và sáng tạo hơn.

Hân Lê