Apple tham gia cuộc chiến xoá sổ hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội

(SHTT) - Gần đây một nhóm chuyên gia nghiên cứu của Apple đã tích cực nghiên cứu, loại bỏ các sản phẩm giả mạo của hãng trên mạng xã hội, đặc biệt trên Instagram.

Hiện nay vấn nạn hàng giả, hàng nhái, đặc biệt liên quan đến các thiết bị điện tử, đang lan tràn nhanh chóng mặt trên mạng xã hội. Apple đang là một trong những đơn vị đơn vị tiên phong đấu tranh chống hàng giả lan tràn trên mạng.

Theo hãng tin Insider, Apple cho biết nhóm chuyên gia của họ làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật, các thương gia, các công ty truyền thông xã hội và các trang thương mại điện tử trên toàn thế giới để xóa các sản phẩm giả mạo của Apple khỏi các trang mạng xã hội. Trước đó, nhóm nghiên cứu đã tìm cách xóa hơn một triệu danh sách bán hàng giả trên mạng vào năm ngoái.

 Apple tham gia cuộc chiến xoá sổ các sản phẩm giả mạo trên mạng xã hội

Người phát ngôn của Apple khẳng định niềm tin và sự an toàn của khách hàng là ưu tiên hàng đầu của hãng. Những rủi ro liên quan đến sản phẩm giả mạo đang là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và hoạt động kinh doanh của hãng.

Apple đã thúc đẩy chiến dịch loại bỏ hàng giả trên mạng sau khi có người dùng tên là Andrea Stroppa phản ánh lại bộ sạc iPhone mà anh ta mượn từ một người bạn đã bị phát nổ trong lúc sử dụng. Bạn của Stroppa cho biết anh ta đã mua bộ sạc đó trong một đợt ưu đãi giảm giá đặc biệt trên Instagram.

Trước đó nhiều nhà bán lẻ linh kiện và phụ kiện của Apple đã đăng ký và được cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên trên Instagram lại xuất hiện rất nhiều người bán chưa được xác minh, hầu hết trong số đó có trụ sở tại Trung Quốc.

Những người kinh doanh này cung cấp nhiều loại phụ kiện giả mạo Apple với giá cực rẻ, bao gồm pin, cáp iPhone,... Ví dụ, AirPods Pro được bán với giá chỉ 25 USD thay vì 249 USD theo Apple, cáp USB-C to Lightning chỉ có giá 2.28 USD thay vì 19 USD theo giá chính hãng,…

 Hàng loạt sản phẩm giả mạo Apple để kinh doanh kiếm lợi nhuận

Theo báo cáo, một số nhà cung cấp đã buôn bán các thiết bị như iPhone và Apple Watch đính kèm logo và bao bì giả của Apple để lừa khách hàng. Ghost Data cho biết, những người bán hàng thường sẽ tiếp cận khách hàng tiềm năng bằng cách theo dõi hồ sơ hỗ trợ công nghệ và cửa hàng Apple trực tuyến. Trong đó khoảng 4/10 nhà cung cấp sản phẩm giả mạo sẽ liên hệ với khách hàng thông qua WeChat hoặc WhatsApp.

Ghost Data cho biết Instagram đã không xác định được và chặn hoặc xóa các tài khoản sản phẩm giả mạo kịp thời trên trang của mình.

Theo hãng tin Insider, Facebook, chủ sở hữu Instagram, khẳng định việc mua và bán hàng giả đã đi ngược lại chính sách của trang web. Chính vì vậy Facebook và Instagram sẽ tăng cường truy tìm và gỡ các bài đăng bán hàng giả mạo trên diện rộng.

Ngô Hiếu