Hà Nội: Đặt mục tiêu tăng 2% tổng số vụ xử lý buôn lậu, hàng giả trong năm nay

(SHTT) - Trong Kế hoạch số 02/KH-BCĐ389/TP về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã đặt mục tiêu tăng 2% tổng số vụ xử lý buôn lậu trên toàn địa bàn so với năm 2020.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND thành phố về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 thành phố yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố và các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức lực lượng, phương tiện, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại diện đơn vị cho biết, trong năm 2020, Trong năm 2020, các lực lượng chức năng trong BCĐ 389/TP đã tổ chức thanh, kiểm tra 35.877 vụ; xử lý hành chính: 31.987 vụ (tăng 2,37% so với cùng kỳ năm 2019). Khởi tố 84 vụ đối với 114 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu: 3.801 tỷ 835 triệu đồng (giảm 22,83% so với cùng kỳ năm 2019).

Theo Ban chỉ đạo, thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như lợi dụng dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh, tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại các khu đô thị, các khu chung cư cao tầng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của dịch vụ công nghệ thông tin cùng với nhu cầu mua bán của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên môi trường mạng internet gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. 

 

Thêm vào đó, người tiêu dùng có xu hướng thích sử dụng các nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nổi tiếng với giá rẻ, cùng với đó là khả năng nhận biết và phân biệt hàng thật, hàng giả của người dân còn nhiều hạn chế. Việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với các cơ quan chức năng vẫn còn chưa được thường xuyên. Một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều đến công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, một bộ phận lực lượng chức năng còn chưa chuyên sâu về nghiệp vụ; trang bị phương tiện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên đôi lúc chưa có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt và kịp thời ở một số vụ việc và thời điểm. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc.

Do đó, năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đề nghị, trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng cần nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh, thường xuyên trao đổi, thông báo những kinh nghiệm, phương pháp đấu tranh có hiệu quả với các lực lượng chức năng khác nhằm nâng cao hiệu quả đối với công tác này.

Thái An