Những vụ đạo nhạc ồn ào nhất năm 2020 của showbiz Việt: Các ca sĩ nổi tiếng bị gọi tên

(SHTT) - Trong năm 2020, làng nhạc Việt ồn ào với nhiều vụ đạo nhạc tai tiếng. Trong đó nhiều ca sĩ đình đám cũng vướng vào những tranh cãi trên.

 Chân ái của Châu Đăng Khoa bị tố đạo nhạc

Tháng 2/2020, trên mạng xã hội, một số tài khoản đã thử sử dụng một ứng dụng tự động nhận diện ca khúc để áp dụng cho trường hợp của Chân ái, sáng tác của Châu Đăng Khoa, do Orange thể hiện.

Cụ thể, khi kiểm tra beat của Chân ái (đã được công ty của Châu Đăng Khoa đăng tải trên kênh riêng), kết quả ứng dụng này tìm kiếm được là ca khúc Lier của Elem3ntz, đăng tải vào tháng 6/2019.

 

Câu hỏi Chân ái có đạo nhạc không hiện thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả. 

Addy Trần - producer tham gia sản xuất ca khúc Chân ái đã có bài viết dài chia sẻ trên trang cá nhân về vấn đề này.

Addy Trần khẳng định Chân ái dùng cùng một beat với ca khúc Lier của Elem3ntz. Song, anh khẳng định Châu Đăng Khoa không "dại" để copy một đoạn nhạc có sẵn của nước ngoài để bị "ăn gậy" từ các trang nghe nhạc trực tuyến hoặc thậm chí nặng hơn có thể bị mất luôn kênh YouTube và tất nhiên, sẽ không thể kiếm tiền khi đã bỏ tiền tỷ để làm MV Chân ái.

“Châu Đăng Khoa đã dành 600 USD để mua độc quyền bản beat để tránh rắc rối bản quyền về sau. Và để có một MV Chân ái hoàn chỉnh, ê-kíp sản xuất phải dặm nhiều thứ như sáo thật, đàn tranh thật... và tất cả đều do người Việt làm”, nam producer cho hay.

Chân ái là sáng tác của Châu Đăng Khoa cho Orange. Tuy nhiên, mối quan hệ của cả hai hiện đến đỉnh điểm của mâu thuẫn khi Orange tố công ty của nam nhạc sĩ quỵt tiền.Addy Trần cũng nhấn mạnh ê-kíp hoàn toàn có thể đánh lại hợp âm với hàng triệu nhạc cụ khác nhau thì người nghe không thể nào đoán ra beat giống nhưng Châu Đăng Khoa đã tự bỏ tiền để mua bản beat.

Cuối bài viết, anh khẳng định một bản beat độc quyền nhưng đã được bán lại ít nhất 2 lần nên mới có chuyện trùng hợp như vậy.

Phạm Hồng Phước lên tiếng phản hồi khi bị tố đạo nhạc Hàn

Ngay khi vừa trình làng, bài hát Mọi người che mặt sống đã làm dấy lên tranh cãi vì bị một số người hâm mộ nhạc K-Pop cho rằng phần “beat” thực chất đã “copy” từ ca khúc nổi tiếng “Apple is a” mà nhóm nhạc nữ nổi tiếng T-Ara (Hàn Quốc) phát hành 11 năm về trước.

Sự khác biệt duy nhất giữa hai ca khúc này được cho là ở phần giai điệu và tiết tấu của “Mọi người che mặt sống” có phần chậm rãi và nhẹ nhàng hơn so với “Apple is a”. Chính điều này khiến Phạm Hồng Phước bị chỉ trích là “đạo nhái” nhạc. Sự việc trở nên căng thẳng hơn khi nhiều fans K-Pop bức xúc vì để lại bình luận thắc mắc trên trang mạng xã hội cá nhân của Phạm Hồng Phước song những bình luận này đều bị xóa. 

 

Chia sẻ về vấn đề này, Phạm Hồng Phước cho biết, là một người hoạt động âm nhạc, anh rất hiểu sự ra đời của một ca khúc là sản phẩm của cả một tập thể, bao gồm cả việc tự do kết nối phóng tác, không tạo rào cản cho bất cứ ai. Nói về việc bị “tố” đạo nhạc, Phạm Hồng Phước cho rằng đó là sự quy chụp khiến anh không chỉ bị “tấn công” trên các kênh mạng xã hội, từ Facebook đến kênh Youtube riêng…mà ngay cả người thân của anh cũng bị liên lụy vì phải hứng chịu những lời lẽ mạt sát, mắng mỏ từ việc này. 

Vướng nghi án đạo nhạc Jay Chou, Trịnh Thăng Bình tung chứng cứ

Ra mắt mới 2hôm, MV được đầu tư lớn nhất trong 10 năm ca hát của Trịnh Thăng Bình mang tên Bức bình phong đã vướng phải ồn ào đạo nhái ca khúc Sứ thanh hoa của Jay Chou.

Trước ồn ào này, Trịnh Thăng Bình nói: "Về ý kiến cho rằng sản phẩm Bức bình phong của Bình giống với sản phẩm Sứ thanh hoa của Jay Chou thì Bình hoàn toàn hiểu và thông cảm cho mọi người, vì giữa hai ca khúc có phần hòa thanh và âm hưởng của bản phối là cùng một tinh thần, trường hợp này không phải là trường hợp duy nhất. 

 

Để mọi người rõ hơn, Bình xin chia sẻ với mọi người về những trường hợp tương tự khác của các nghệ sĩ quốc tế như: This love của GD và This love của Maroon 5,  Home của Michael Bublé và Every day, every moment của Paul Kim...Như mọi người đã thấy, thì đây đều là những trường hợp mang cùng âm hưởng về hòa âm, nhưng cách các nghệ sĩ triển khai giai điệu (melody) là hoàn toàn khác nhau. Nên nếu nói giai điệu của Bức bình phong là sản phẩm đạo nhái từ Sứ thanh hoa là không có căn cứ". 

Trong đoạn clip giải thích, Trịnh Thăng Bình cũng bày tỏ anh cảm thấy mình có trách nhiệm phải giải thích và nói lên sự thật với khán giả để mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề đạo nhạc. Trịnh Thăng Bình đã đưa ra bản nhạc của hai ca khúc Sứ thanh hoa và Bức bình phong, dịch cả hai ca khúc về cùng một tông để khán giả dễ hiểu. Tuy cùng một tông, nhưng hai ca khúc hoàn toàn khác nhau về giai điệu và nốt nhạc. 

Sau đó, Trịnh Thăng Bình đã nhờ Producer XAN chơi piano giai điệu của Sứ thanh hoa và Bức bình phong, cẩn thận đọc từng nốt nhạc ở mỗi ca khúc. "Mọi người không thể dùng cảm quan nghe thấy giống mà bảo mình copy được. Mình cảm thấy rất khó chịu, rất buồn vì điều đó" - Trịnh Thăng Bình nói.

K-ICM vướng nghi vấn đạo nhạc của T-ara trong ca khúc Một chiều mưa bất ngờ

Tháng 10/2020, K-ICM tung clip đệm đàn cho RyO hát ca khúc mới mang tên "Một chiều mưa bất ngờ". Sau khi nghe nhiều người nhận xét giai điệu giống Don’t Leave của nhóm T-ara. 

Về phía K-ICM, anh chàng cho biết cảm thấy bất ngờ khi sản phẩm mới vướng nghi án đạo nhạc. "T-ara là một trong những nhóm nhạc nổi tiếng nhất Kpop ở thập niên 2010 và cũng là nhóm có lượng fan trung thành, đông đảo ở Việt Nam. Do đó, tôi không bao giờ muốn gây tổn thương đến họ, cũng như làm tổn hại giá trị nghệ thuật" - K-ICM nói.

 

Trước đây, khi mới phát hành ca khúc Ai mang cô đơn đi, K-ICM cũng bị chỉ trích đạo nhạc. "Khi nghe cả đoạn, khán giả có thể cảm giác hai bài na ná nhau. Nhưng nếu phân tích từng nốt nhạc sẽ thấy khác nhau. Hơn nữa, bài Cheer Up thuộc thể loại pop nên tiết tấu nhanh hơn Ai mang cô đơn đi" - K-ICM nói về nghi vấn đạo nhạc của ca khúc Ai mang cô đơn đi.

Hà Thu