Hệ thống ướp trà hoa mới giúp giữ trọn hương vị truyền thống

(SHTT) - Nhận thấy công nghệ ướp trà hoa tại Việt Nam không thể đảm bảo hương vị truyền thống, kỹ sư Phạm Thị Hạnh và cộng sự ở Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã tìm ra giải pháp mới giúp tối ưu hóa chất lượng sản phẩm và giảm tối đa thời gian chế biến.

Sau khi tiến hành khảo sát thực tế, kỹ sư Phạm Thị Hạnh nhận thấy phương pháp ướp trà hoa nhài thủ công truyền thống của các hộ gia đình tại Hà Nội “tiêu tốn công sức, hao hụt nguyên liệu mà chất lượng của từng mẻ trà lại không ổn định”. 

 

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều sản phẩm trà ướp hương do các doanh nghiệp trong nước sản xuất hoặc nhập khẩu. Tuy nhiên, “ở quy mô công nghiệp, các nhà máy sản xuất trà ướp hương thường cho cả nguyên liệu hoa vào sấy cùng trà, thành phẩm cuối cùng sẽ bao gồm cả hoa và trà, hoặc sử dụng tinh dầu hoa để ướp”, kỹ sư Phạm Thị Hạnh cho biết. “Nếu so sánh, phương pháp cũ tuy còn hạn chế nhưng cho sản phẩm có hương vị độc đáo hơn hẳn so với cách làm công nghiệp”.

Trước thực tiễn này, kỹ sư Hạnh đã cùng các cộng sự ở Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chế tạo 1 thiết bị sấy và đề xuất quy trình chế biến trà ướp hương hoa giúp giảm một nửa thời gian chế biến so với phương pháp cũ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của dòng trà ướp hương truyền thống như cánh trà khô giòn, độ ẩm từ 10-12%, nước trà vàng sánh, đượm hương, vị trà chát dịu, ngọt hậu... .

Nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công tủ sấy trà ướp hương nhài (có thể áp dụng cho nhiều loại trà ướp hương hoa khác nhau) có hệ thống cấp nhiệt bằng hồng ngoại và bơm nhiệt, đồng thời đề xuất quy trình trà ướp hương nhài sử dụng thiết bị này.

Quy trình cụ thể gồm bốn bước: (1) chuẩn bị nguyên liệu: ướp trà mộc (trà khô, có độ ẩm, 10%) theo tỉ lệ 3 phần hoa nhài 10 phần trà theo từng lớp liên tiếp, ủ kín trong túi nilon trong 12 giờ; (2) sấy và ủ men ở nhiệt độ từ 87-93oC trong 10 giờ, nguồn nhiệt cấp cho giai đoạn này là nguồn cấp nhiệt hồng (từ đèn hồng ngoại); (3) tách nước ở nhiệt độ sấy 47-53oC, độ ẩm 30% trong 2 giờ nhờ nguồn nhiệt hồng ngoại và bơm nhiệt; (4) sấy giòn ở nhiệt độ 87-93oC trong 6 giờ, dùng nguồn nhiệt hồng ngoại.

Kết quả thử nghiệm cho thấy quy trình chế biến trà ướp hương sử dụng thiết bị sấy do nhóm nghiên cứu đề xuất đảm bảo được yêu cầu chất lượng sản phẩm tương tự phương pháp sấy cổ truyền, đồng thời rút ngắn thời gian sấy từ 24 giờ xuống còn 18 giờ.

Nguyên mẫu hệ thống sấy trà hoa đã bắt đầu được thử nghiệm từ năm 2016 và sau nhiều lần điều chỉnh để đạt được hiệu quả sản xuất tối ưu nhất, sản phẩm của kỹ sư Phạm Thị Hạnh và nhóm nghiên cứu đã được hoàn thiện.

Với tính sáng tạo và giá trị ứng dụng cao, phương pháp chế biến trà ướp hương nhài của KS. Phạm Thị Hạnh và các cộng sự đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng sáng chế vào tháng 6/2020. 

Thanh An