Cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ còn yếu kém trong thời đại công nghiệp 4.0

(SHTT) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng sẽ phát triển theo. Tuy nhiên vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ trong thời đại công nghiệp 4.0 vẫn còn nhiều yếu kém.

Cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng của cuộc cách mạng số, thông qua hàng loạt các công nghệ tiên tiến như: Internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, công nghệ in 3D... tạo năng suất, giá trị lớn.

Cùng với đó, hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng sẽ phát triển theo, nhưng thực tế hiện nay tình trạng vi phạm SHTT đang ngày càng phức tạp, doanh nghiệp (DN) vẫn còn lơ là trong việc đăng ký SHTT...

Tại hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng cần đổi mới cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đối tượng được tạo ra từ cách mạng công nghiệp 4.0 như trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, in 3D, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới…

 Ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Cũng trong hội thảo, nhiều chuyên gia cho biết phải thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở quy mô khu vực và toàn cầu, vì nhiều vấn đề sở hữu trí tuệ đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được.

Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ) Đỗ Thiên Hoàng cho biết, theo thống kê, năm 2016 có hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan đến intetnet vạn vật (IoT) đã được nộp tại Cơ quan sáng chế châu Âu và tăng trưởng 54% chỉ trong ba năm 2014-2016.

Điều này khẳng định, các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Việc thực thi quyền trong môi trường số sẽ trở nên khó khăn hơn, vì vậy, các chính sách cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa không ngăn cản sự phát triển khoa học và công nghệ, vừa bảo đảm an ninh, bảo mật và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ thỏa đáng.

Theo Cục SHTT, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục đã tiếp nhận 55.047 đơn các loại, trong đó có 34.047 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018). Tuy nhiên, mặc dù số đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có tăng, nhưng với tình hình thực tiễn hiện nay thì mức tăng đó chưa nhiều. Doanh nghiệp (DN) Việt chưa thật sự chú ý đến việc đăng ký SHTT cho sản phẩm “thai nghén” của mình.

Điển hình như, số lượng đơn về kiểu dáng của DN đăng ký trong nước, đa phần là những sản phẩm đơn giản, như: nhãn hàng hóa, bao gói, chai lọ và hộp đựng. Việc chậm đăng ký kiểu dáng công nghiệp gây ảnh hưởng trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Bằng chứng, không ít DN phải cố gắng đấu tranh trong nhiều năm nhằm giành lại được thương hiệu của mình dày công gây dựng như: cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc,…

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN lơ là đăng ký quyền SHTT. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do DN không để ý đến tầm quan trọng của việc đăng ký kiểu dáng sản phẩm, tuổi thọ kiểu dáng được cấp rất ngắn trong khi nộp hồ sơ đăng ký mất nhiều thời gian,…

Không chỉ lơ là trong việc đăng ký SHTT trong nước, DN Việt cũng rất “chậm chân” trong việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Tại Hoa Kỳ, chỉ có 10 kiểu dáng được DN Việt Nam đăng ký; tại Liên minh châu Âu có 166 kiểu dáng được đăng ký,... Các hồ sơ nộp đăng ký SHTT chủ yếu là xe cộ, máy móc, thiết bị điện và điện tử, chai lọ, chén bát…

Vân Anh