Cục Sở hữu trí tuệ: Đơn đăng ký sáng chế tăng 12,8%

(SHTT) - Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam ngày càng phát triển và được đề cao. Tuy nhiên việc khai thác giá trị tài sản trí tuệ vẫn còn nhiều khó khăn.

 Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ tại Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) thì trong năm 2018, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) tăng 8,1%, trong đó đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và đăng ký quốc tế nhãn hiệu tăng lần lượt là 12,8, 28,3 và 20% so với năm 2017; lượng đơn xác lập quyền SHCN được xử lý tăng 9,2%, trong đó kết quả xử lý sáng chế, giải pháp hữu ích và đăng ký quốc tế nhãn hiệu tăng lần lượt là 12,8, 28,3 và 20%. Bên cạnh đó, Cục SHTT đã tập trung xử lý các đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam và đơn khiếu nại (tăng 50% so với năm 2017).

Cũng trong năm 2018, các vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là xử lý bằng biện pháp hành chính tuy có giảm về số vụ nhưng lại tăng đáng kể về số tiền phạt. Số lượt người dân, doanh nghiệp đề nghị được tư vấn về sáng chế tăng cao, cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với sáng chế nói riêng và hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung đã có chuyển biến.

 Cục Sở hữu trí tuệ: Đơn đăng ký sáng chế tăng 12,8%

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cũng cho biết, thời gian tới, Cục SHTT sẽ có nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHTT. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ KH và CN phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Chiến lược SHTT quốc gia để định hướng hoạt động của hệ thống SHTT quốc gia trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, Cục đang phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi Luật SHTT; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thẩm định đơn đăng ký SHCN. Các địa phương cần tiếp tục tập trung hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đào tạo cán bộ làm công tác SHTT.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều địa phương cho biết họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Trước hết, đó là vấn đề thiếu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên về lĩnh vực này. Hiện nay, cả nước chỉ có 02 Sở KH&CN có bộ phận độc lập chuyên trách quản lý về sở hữu công nghiệp (Phòng Sở hữu trí tuệ) là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các địa phương còn lại chủ yếu được ghép chung với các lĩnh vực khác như an toàn bức xạ, thông tin... hoặc tại phòng Quản lý chuyên ngành. Tổng số cán bộ chuyên trách trên cả nước chỉ có 67 người (tương đương khoảng 1 người/tỉnh thành) trong khi cán bộ kiêm nhiệm nhiều hơn một chút (95 người) nhưng đang có xu hướng giảm do hoạt động bố trí sắp xếp lại vị trí, tinh giảm biên chế đối với một số cán bộ hợp đồng hoặc trên thực tế làm việc ưu tiên các công việc hành chính khác hơn so với hoạt động SHCN.

Bên cạnh đó, các đại biểu sở KH&CN cũng trao đổi về vướng mắc trong việc định giá tài sản trí tuệ khi mà cả nước có hơn 200 tổ chức định giá tài sản nhưng chủ yếu về tài sản hữu hình, hầu như không có kinh nghiệm đối với tài sản vô hình. Việc đăng ký bảo hộ sáng chế vẫn được coi là phức tạp và mất nhiều thời gian. Một số địa phương cho biết họ cũng gặp các khó khăn liên quan đến việc duy trì, quản lý các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đã có.

Hà Anh