Nhức nhối vấn nạn vi phạm bản quyền Asian Cup 2019 từ các trang web lậu, Facebook

(SHTT) - Các trận đấu vòng bảng Asian Cup 2019 đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ Việt Nam vì vậy tình trạng vi phạm bản quyền giải đấu này trên các trang web lậu, các tài khoản Facebook cũng đang là 1 vấn nạn nhức nhối.

Ở Vòng chung kết Asian Cup 2019 đang diễn ra tại UAE, VTV mua bản quyền phát sóng giải đấu trên hạ tầng truyền hình quảng bá và được tiếp phát trên các hạ tầng truyền hình trả tiền, truyền hình Internet nằm trong hệ thống của VTV. Fox Sports cũng có bản quyền phát sóng trên hạ tầng truyền hình trả tiền, hầu hết các hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam đều có kênh Fox Sports, do đó người hâm mộ bóng đá có thể dễ dàng thu xem 51 trận đấu của giải trên nhiều phương tiện khác nhau như: Tivi, máy tính, mobile…

Cụ thể, các kênh truyền hình phát trực tiếp các trận đấu gồm VTV5, VTV6, Fox Sports, thì khán giả có thể theo dõi trực tiếp các trận đấu Asian Cup 2019 qua các ứng dụng truyền hình OTT: VTV Sports, VTVGo, Onme, VieOn, MyK+, VTC Now…

 

Tuy nhiên ngoài những kênh truyền hình chính thức, các ứng dụng OTT của các đơn vị truyền hình phát sóng trực tiếp thì hiện tại có rất nhiều trang web lậu được lập ra để phát lại những trận đấu của Asian Cup 2019. Bên cạnh đó, nhiều tài khoản Facebook, Youtube cũng đang vi phạm bản quyền giải đấu hấp dẫn này.

Việc vi phạm bản quyền trên Internet khá công khai, có nhiều kênh YouTube đạt hàng chục nghìn người xem vào giờ trực tiếp các trận đấu, người xem trên YouTube còn thoải mái bình luận và tương tác với nhau trên kênh.

Theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng này, các nhà sản xuất nội dung số Việt Nam nên sử dụng nhiều hơn những giải pháp về công nghệ. Bởi vì các cơ chế về xử phạt hành chính, kiện ra tòa dân sự quy trình giải quyết khá lâu, khi xử lý xong thì thiệt hại cũng rất lớn. Trong khi đó vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra rất nhanh. Ví dụ, với một trận bóng đá, sau khi livestream trên mạng xã hội, từ khi bị báo cáo cho đến lúc bị gỡ đã tồn tại vài tiếng. Nhưng nếu qua đường thủ tục hành chính có khi phải mất vài ngày hoặc vài tuần. Do đó, dùng biện pháp công nghệ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho bảo vệ bản quyền.

Một biện pháp nữa là phải tăng cường trách nhiệm của các ISP trong việc ngăn chặn các trang có nội dung vi phạm. Ví dụ, trong kỳ ASIAD 2018 vừa qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng chặn 18 trang vi phạm bản quyền ASIAD thành công.

Vân Anh (t/h)