Tàu khảo sát biển không người lái "Made in Vietnam"

(SHTT) - Nhóm nghiên cứu cho biết, tàu mini không người lái có tải trọng 60kg, được gắn hai bình ắc-quy nên có thể khảo sát biển trong thời gian 8 -10 tiếng.

Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thiết bị này được chế tạo trong vòng một năm. Toàn bộ phần cứng đến phần mềm đều chủ động làm trong nước

Ths Lưu Hải Âu, Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ cho biết, tàu được thiết kế chạy tự động, không cần người lái. Vỏ tàu làm bằng nhựa composite. Trong thân tàu được gắn phần mềm ghi dữ liệu, camera trực tuyến, máy định vị vệ tinh, ăngten và một thiết bị đo sâu hồi âm. Một máy tính nhỏ như điện thoại cũng được gắn ở trong để lưu số liệu và gửi về hệ thống qua tín hiệu radio.

Cán bộ Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ giới thiệu về tàu khảo sát "Made in Vietnam". 

Chiếc tàu này thể hiện sự ưu việt khi có thể đo số liệu biển trong thời gian 8 -10 tiếng ở độ sâu 1.000 m, đồng thời, nó cũng có thể chạy được ở vùng nước nông do mức mớm nước rất thấp mà không cần người lái. Đối với khu vực ven bờ, vùng đá, san hô con người không thể tiếp cận thì tàu mini không người lái “made in VietNam” này vẫn đến và đo được số liệu.

Với thiết bị này, con người sẽ không cần xuất hiện ở những vùng biển khó khăn về an ninh, hay ô nhiễm mà chỉ cần tàu thả xuống. Tàu sẽ tự động chạy và gửi thông số về nhà. Đặc biệt, tàu cũng có thể tự động chạy ngầm rà soát, đo số liệu để phát hiện các nhà máy thải nước thải trộm xuống biển. 

Ban đầu Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ dự định sẽ thiết kế hệ thống điều khiển và phầm mềm khảo sát. Tuy nhiên, khi đi mua tàu thì các hãng chế tạo tàu đều không bán. Lý do là đối tượng khảo sát của ngành bản đồ bao giờ cũng gắn với chữ “mật”. Vì vậy nhóm nghiên cứu đã tìm cách thiết kế phù hợp nhu cầu trong nước. Đây là thiết bị chế tạo để phục vụ công tác nghiên cứu nên hình thức không được đẹp nhưng có thêm nhiều tính năng chuyên biệt phục vụ cho hoạt động điều tra, khảo sát", Ths Hải Âu chia sẻ.

Hiện tàu đã chạy thử nghiệm đo trên vùng nước chảy xiết ở sông Lô, sông Đà cho kết quả tốt. Nhóm nghiên cứu cho biết, khi có điều kiện sẽ tiếp tục hoàn thiện để tàu có hình thức đẹp hơn.

Kim Dung (t/h)