Thủ tục đăng ký bản quyền ca khúc

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi về các bước đăng ký bản quyền ca khúc: Hiện giờ tôi ở Sóc Trăng và tôi có vài ca khúc do tôi sáng tác vậy tôi có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện có được không?

Tôi chỉ là người yêu nhạc, tôi không biết cách đặt nốt nhạc nên tôi có thể ghi âm bằng điện thoại copy vào đĩa cd và lấy đĩa cd đăng ký có hợp lệ không? Lệ phí là bao nhiêu cho 1 ca khúc?

Vấn đề ca khúc do mình viết ra mình không cố ý nhưng giai điệu lại giống 1 ca khúc khác vậy có phạm pháp không? Cũng có vài người muốn mua ca khúc của tôi nhưng tôi không dám bán vì sợ giống nhạc của người ta nên mới đăng ký bản quyền để khỏi phát sinh về sau.

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:

Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009

Nghị định 100/2006/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan

Nghị định số 85/2011/NĐ-CP quy định về quyền tác giả và quyền liên quan.

 

2. Nội dung phân tích:

Căn cứ Khoản 9 Điều 1 Nghị định 85/2011/NĐ-CP sửa đổi Điều 37 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định:

9. Khoản 1 Điều 37 được sửa đổi như sau:

“1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định tại Điều 50 của Luật Sở hữu trí tuệ có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cư trú hoặc có trụ sở. Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.”Như vậy hiện bạn đang ở Sóc trăng thì bạn có thể trực tiếp nộp hoặc ủy quyền cho tổ chức cá nhân khác nộp hồ sơ tại sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Sóc trăng hoặc tại cục bản quyền tác giả hoặc văn phòng đại diện của cục bản quyền tác giả tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng. Hồ sơ của bạn có thể gửi qua đường bưu điện.

Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ: Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện nào.

Do vậy việc bạn ghi âm bằng điện thoại copy vào đĩa CD và lấy đĩa CD đó đăng ký vẫn hợp lệ.

Điều 50 quy định đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan:

 Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

Bộ Văn hóa - Thông tin quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;

b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;

d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Chú ý: Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

Như vậy trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả không bao gồm lệ phí.

Căn cứ Thông tư 29/2009/TT-BTC quy định mức lệ phí bạn phải nộp để được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là 100 nghìn đồng/bài hát.

Theo luatminhkhue