Sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện có phải xin phép không?

Câu hỏi: Hiện tôi làm việc ở thư viện, chúng tôi thường phải sao chép một số tác phẩm được công bố mới, lưu trữ trong thư viện để phục vụ mục đích nghiên cứu. Vậy việc sao chép của chúng tôi như vậy có vi phạm luật sở hữu trí tuệ không?

Trả lời:

Thứ nhất, sao chép tác phẩm nhằm mục đích nghiên cứu không cần phải xin phép.

Việc sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mực đích nghiên cứu là một trong các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Điều này được ghi nhận tại điểm đ khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ : “Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;”

 Sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện có phải xin phép không?

Thứ hai, việc sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mực đích nghiên cứu phải đáp ứng một số điều điện.

Khoản 2 Điều 25 Nghị định của Chính phủ số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan  quy định:“Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.” Theo đó, trong trường hợp này, thu viện chỉ được phép sao chép không quá một bản và không được phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, việc sao chép một bản tác phẩm để lưu trữ trong thư viện nhằm mục đích nghiên cứu không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên bạn hoàn toàn có thể sao chép mà không cần xin phép, trả thù lao.

Căn cứ pháp luật:

Điều 25, Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009.

Theo netlaw