Gạo ST25 bị đăng ký ở Mỹ: Bài học lớn về bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

(SHTT) - Theo đại diện Bộ Công Thương, các hồ sơ đăng ký để được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ đang trong tình trạng chờ xem xét. Nếu không hành động kịp thời thì có khả năng Việt Nam sẽ bị mất luôn thương hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019 ST25.

 ST25 là giống gạo Việt Nam ngon nhất thế giới năm 2019, do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo. Đến năm 2020, gạo ST25 tiếp tục được đạt giải nhì trong cuộc thi gạo ngon này.

Từ năm ngoái, các doanh nghiệp có trụ sở ở California, Mỹ đã đăng ký và đang trong giai đoạn chờ để được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại nước này.

Thứ nhất là nhãn hiệu "The world's best rice gao thom ST25 dac san Soc Trang ngon nhat the gioi 100% tu nhien khong beo phi - khong tieu duong", đăng ký ngày 22/10.

 Gạo ST25 bị đăng ký ở Mỹ: Bài học lớn về bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Nhãn hiệu thứ hai và ba chờ đăng ký trên trang USPTO đều tên ST25 do 2 đơn vị là I&T enterprise, Inc. Corporation và TTM International Inc. Corporation đăng ký lần lượt vào ngày 18/6 và 10/8.

Nhãn hiệu thứ tư và năm do Transworld Foods, Inc. Corporation đăng ký gồm "No.1 Vietnam ST25 rice the world's best rice" và "Vietnam's ST25 rice, dac san Soc Trang" đăng ký ngày 31/7 và 1/9. Trong đó, nhãn "No.1 Vietnam ST25 rice the world's best rice" được mô tả thiết kế là hình hai bông lúa cách điệu với chữ No.1 ở phía trên, bên phải có dòng chữ Vietnam’s ST25 the wold’s best rice.

Việc bảo hộ thương hiệu hàm nghĩa một doanh nghiệp đã đăng ký sở hữu nhãn hiệu đó, các doanh nghiệp khác không được đăng ký trùng lắp. Như vậy, nếu 5 doanh nghiệp tại Mỹ thành công, phía ông Hồ Quang Cua và một số doanh nghiệp Việt Nam khác đang bán gạo ST25, sẽ không được sử dụng các cụm từ như gạo ST25 ngon nhất thế giới.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết thêm: Theo quy trình của bên Mỹ thì sau sáu tháng kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu, nếu không có khiếu nại, tranh chấp gì thì phía Mỹ sẽ cấp đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu gạo này cho các doanh nghiệp (DN).

“Do vậy, ngay trong sáng 22/4, chúng tôi đã liên lạc với ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của thương hiệu gạo ST25 để trao đổi và giới thiệu một số chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Qua đó nhằm giúp ông Cua khẩn trương đăng ký và hoàn thành hồ sơ đăng ký thương hiệu gạo ST25 trên thị trường Mỹ” - ông Phú nói.

Cạnh đó, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết để giữ được thương hiệu này thì DN phải cung cấp bằng chứng. Từ đó để chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như đưa sản phẩm ra thị trường.

“Đây mới là nguy cơ chứ thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất. Song nếu mình không hành động kịp thời ngay thì có khả năng sẽ bị mất luôn” - ông Phú nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phú, do nguồn lực có hạn, theo quy định hiện nay, Chính phủ sẽ không làm thay DN trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Các cơ quan liên quan chỉ cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu.

Vị lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cảnh báo trong trường hợp nếu bị các DN nước ngoài đăng ký bảo hộ đối với các sản phẩm, thương hiệu của DN Việt Nam thành công thì khi xuất khẩu các sản phẩm này sang thị trường đó sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Cụ thể, trong trường hợp này là sẽ không được dùng nhãn hiệu ST25 ở Mỹ nữa vì vi phạm nhãn hiệu, bản quyền đã được bảo hộ thương hiệu. Hệ quả là gạo ST25 sẽ bị mất thị trường đó hoặc sẽ phải lệ thuộc vào DN đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó. Nếu DN muốn đòi lại thì bắt buộc phải trả một mức phí cao hơn.

Hà Lâm