Nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả

Câu hỏi: Tôi là một nhà thơ và tôi vừa cho xuất bản một tác phẩm. Vậy tôi muốn hỏi tôi có cần bảo hộ quyền tác giả không và nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả là gì?

Trả lời:

Từ bản chất pháp lí của vấn đề bảo hộ, tính chất vô hình của tài sản trí tuệ, sự lao động sáng tạo tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học của tác giả mà việc thực hiện bảo hộ quyền tác giả đặt ra một số nguyên tắc. Các nguyên tắc này sẽ làm tư tưởng chỉ đạo cho các chủ thể khi vận dụng các quy phạm pháp luật về quyền tác giả, đặc biệt đối với việc áp dụng các quy định về quyền tác giả của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp.

 Nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả

Nguyên tắc bảo đảm quyền tự do sáng tạo của cá nhân

Quyền tự do sáng tạo của cá nhân được xây dựng trên nguyên tắc: “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp” (Điều 60 Hiến pháp năm 1992). Những quy định tại Điều 30 và Điều 32 Hiến pháp năm 1992 cũng thể hiện sự bảo đảm bằng pháp luật với những cá nhân sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Các quy định này bảo đảm quyền tự do sáng tạo của cá nhân trên cơ sở loại trừ các tác phẩm có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, hủ tục.

Nhà nước đã tạo thế chủ động và ghi nhận quyền tự do sáng tạo của cá nhân trong đạo luật cơ bản là Hiến pháp – một đạo luật được coi là cơ sở pháp lí của cả hệ thống pháp luật. Luật dân sự và Luật sở hữu trí tuệ cũng phải dựa vào quy định của Hiến pháp và cụ thể hoá những quy định của Hiến pháp, đồng thời tuân thủ những nguyên tắc chung của luật dân sự, đặc biệt là nguyên tắc “tự do, tự nguyện cam kết thoả thuận”. Với các quy định trên đây thì quyền tự do sáng tạo của cá nhân luôn được tôn trọng và bảo đảm thực hiện, khuyến khích tự do sáng tạo, cấm cản trở, hạn chế quyền tự do sáng tạo của cá nhân. Pháp luật bảo đảm cho người sáng tạo có quyền tự do trong việc chọn đề tài, hình thức thể hiện, đặt tên tác phẩm, đứng tên tác giả, giao kết hợp đồng chuyển giao tác phẩm…

Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng, tự định đoạt của các chủ thể

Nguyên tắc bình đẳng được quy định tại Điều 55 Hiến pháp năm 1992: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Nguyên tắc này là tư tưởng chỉ đạo và định hướng cho tất cả các ngành luật khi ghi nhận và bảo đảm quyền lợi chính đáng của cá nhân. Pháp luật quy định về quyền tác giả nói chung và quyền của người sáng tác văn học, nghệ thuật, khoa học nói riêng, không phân biệt độ tuổi, trình độ văn hoá, giới tính, tình trạng tài sản, địa vị xã hội và phương pháp tạo ra tác phẩm V.V.. Mọi cá nhân đều có quyền hoạt động sáng tạo để tạo nên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kể cả cá nhân đó là người nước ngoài.

Bằng tài năng sáng tạo nên tác phẩm hay công trình khoa học của mình, các tác giả của những sản phẩm trí tuệ đó đều có các quyền về tinh thần và về vật chất như nhau. Các tác giả hoàn toàn có quyền định đoạt các quyền của mình có được từ tác phẩm. Pháp luật về quyền tác giả luôn bảo đảm cho các chủ thể sử dụng, khai thác tác phẩm một cách hiệu quả nhất. Khi có hành vi xâm phạm đến quyền tác giả thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng những biện pháp cưỡng chế để khôi phục lại tình trạng ban đầu như trước khi bị xâm phạm về quyền tác giả.

Theo dichvuthuonghieu.vn