Cam sành Hà Giang được giá nhờ bảo hộ chỉ dẫn địa lý

(SHTT) - Cam sành Hà Giang đã chính thức được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN. Chính vì vậy sản phẩm cam sành Hà Giang ngày càng đắt giá và vươn xa hơn trên thị trường, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế.

Cam sành Hà Giang vốn nổi tiếng khắp đất nước từ những năm 1980 đến nay với vị ngon ngọt đặc trưng. Loại quả này có hình dáng tròn hơi dẹt, vỏ sần sùi và lớp cùi phía trong thì dày hơn các loại quả khác cùng dòng. Đặc biệt cam sành Hà Giang có mùi thơm nhẹ, không gắt và tép cam có màu vàng đỏ, luôn mọng nước. Hàm lượng vitamin C từ 19,54 - 24,61 mg/100g dịch quả, axit hữu cơ tổng số từ 0,63 đến 0,78 %, đường tổng số từ 6,89 đến 8,12 %, độ brix từ 8,25 đến 9,60 %, hàm lượng nước từ 87,22 đến 89,34 %. 

 Cam sành Hà Giang đắt giá nhờ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Thái Hòa

Chính nhờ những đặc trưng trên mà sản phẩm cam sành Hà Giang ngày càng nức tiếng. Không chỉ được sinh trưởng và phát triển ở vùng đất thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ, mưa nhiều mà cam sành còn được người dân ở đây chăm sóc với kinh nghiệm tích lũy lâu đời. Đặc biệt hơn cả vùng đất trồng cam sành Hà Giang là vùng thuộc phía nam của tỉnh Hà Giang, thuộc lưu vực các con sông như sông Lô, sông Bạc, sông Con và là vùng lòng chảo thấp dần từ Bắc xuống Nam. Chính nhờ khu vực địa lý thích hợp này mà đất đai ở đây luôn phì nhiêu, tươi tốt giúp cam sành phát triển.

Để bảo vệ loại cây ăn quả đặc sản vùng miền này thì Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hà Giang và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này chính là Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang. Lễ công bố và trao giấy chứng nhận được diễn ra vào sáng ngày hôm qua 14/12/2016 trong Hội nghị Kết nối cung - cầu, xúc tiến, tiêu thụ cam Sành Hà Giang niên vụ 2016-2017 được tổ chức tại Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

 Cam sành Hà Giang ngày càng vươn xa trên thị trường. Ảnh: Báo Hà Giang

Các khu vực địa lý được xác định là các xã thuộc 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.

Huyện Bắc Quang gồm: thị trấn Việt Quang, thị trấn Vĩnh Tuy, xã Đức Xuân, xã Đông Thành, xã Đồng Tâm, xã Đồng Tiến, xã Đồng Yên, xã Bằng Hành, xã Hùng An, xã Kim Ngọc, xã Liên Hiệp, xã Quang Minh, xã Tân Quang, xã Tân Thành, xã Thượng Bình, xã Tiên Kiều, xã Vô Điếm, xã Việt Hồng, xã Việt Vinh, xã Vĩnh Hảo và xã Vĩnh Phúc;

Huyện Quang Bình gồm: xã Yên Bình, xã Bằng Lang, xã Hương Sơn, xã Tân Bắc, xã Tân Trịnh, xã Tiên Yên, xã Vĩ Thượng, xã Xuân Giang, xã Yên Hà và xã Yên Thành;

Huyện Vị Xuyên gồm: thị trấn Vị Xuyên, thị trấn Việt Lâm, xã Đạo Đức, xã Quảng Ngần, xã Trung Thành, xã Việt Lâm và xã Ngọc Linh.

 Hội nghị Kết nối cung - cầu, xúc tiến, tiêu thụ cam Sành Hà Giang niên vụ 2016-2017. Ảnh: Báo Hà Giang

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, giá trị sản phẩm cam sành Hà Giang ngày càng được nâng cao, đánh bật những tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến giá trị quả cam và trở thành thương hiệu quốc gia. Đồng thời chứng nhận chỉ dẫn địa lý còn giúp cam sành Hà Giang tăng sức cạnh tranh trên thị trường và trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, thự hiện Hiệp định TPP thì đây còn là điều kiện để đưa cam sành đi xa.

Cũng trong Hội nghị Kết nối cung - cầu, xúc tiến, tiêu thụ cam Sành Hà Giang niên vụ 2016-2017, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cũng nhấn mạnh nhiệm vụ liên kết thị trường, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cam sành. Đặc biệt ông Vinh cũng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

PV