MACS: Công nghệ 'xanh' giúp loại bỏ hoàn toàn chất độc hại trong nước

(SHTT) - Các nhà khoa học tại Anh mới đây đã phát triển thành công 1 cỗ máy có tên MACS có khả năng loại bỏ các tạp chất độc hại trong nước mà hoàn toàn không cần sử dụng các phụ chất gây hại tới môi trường.

MACS là hệ thống được phát triển bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Swansea (Anh). Thiết bị này được sử dụng để xử lý nước mà không cần dùng tới dung môi như các phương pháp xử lý nước truyền thống hiện nay.

Thông thường, để xử lý các các phân tử hữu cơ có hại trong nước, người ta sẽ dùng tới các dung môi đặc biệt . Tuy nhiên, cỗ máy mới của Swansea có thể sản xuất chất xúc tác bằng phương pháp vật lý mà không cần tới sự trợ giúp của bất kỳ loại dung môi nào, do đó không tạo ra nước thải. sau quá trình xử lý.

 MACS có thể loại bỏ hoàn toàn các chất gây hại trong nước mà không cần tới sự hỗ trợ của bất kỳ chất xúc tác nào

GS Palmer, người đứng đầu nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Phương pháp mới của chúng tôi tạo ra chất xúc tác trong môi trường chân không và không dung môi. Các hạt xúc tác là các cụm nguyên tử bạc, được tạo ra bằng máy MACS mới được phát minh.

Ở MACS, các cụm nguyên tử bạc mang kích thước nano nhỏ hơn 10.000 lần so với độ dày của một sợi tóc người đã giúp giải quyết vấn đề tồn tại lâu nay về việc loại bỏ sự hỗ trợ của các dung môi trong quá trình xử lý, đồng thời không tạo ra các phụ phẩm độc hại sau quá trình lọc nước.

Ngoài ra, MACS cũng được nhận định có tính ứng dụng cao trong nhiều ngành khác nhau từ vật lý tới hóa học và kỹ thuật. 

Thành quả của các nhà nghiên cứu tại Swansea mang đến một công nghệ “xanh” tiên tiến, hướng đến giải quyết vấn đề sản xuất nước sạch theo hướng thân thiện môi trường mà các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn đang tìm lời giải.

Nếu MACS có thể sớm đưa vào ứng dụng rộng rãi, nó có thể giải quyết được nhu cầu nước sạch đang ngày càng tăng cao trên khắp thế giới, đồng thời, làm giảm các nguy cơ bệnh tật liên quan tới vấn đề nước sinh hoạt ở người hiện nay.

Thái An